Nội dung bài viết
Công viên địa chất Đắk Nông chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020. Đây là vinh hạnh và niềm tự hào vô cùng to lớn đối với không chỉ nhân dân và chính quyền tỉnh Đắk Nông mà còn với quốc gia Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Đắk Nông trên trường quốc tế.
Đại diện CVĐCTC UNESCO Đắk Nông - Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh –TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc BQL CVĐC Đắk Nông - vinh dự được GS.TS Nikolaos Zouros – Chủ tịch Mạng lưới toàn cầu và Ông Guy Martini – Chủ tịch Hội đồng CVĐCTC UNESCO trao Giấy Chứng nhận thành viên chính thức của Mạng lưới CVĐCTC |
Với danh hiệu cao quý này, tỉnh Đắk Nông đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ du lịch của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, gồm 177 điểm đến là các Công viên địa chất thuộc các khu vực: Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Phi, Mỹ La tinh – Vùng Ca-ri-bê và khu vực Bắc Mỹ.
Tuy là thành viên "non trẻ" của Mạng lưới CVĐCTC, song, với nhiệt huyết và những nỗ lực không ngừng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong quá trình hội nhập sân chơi quốc tế.
Tiêu biểu là việc bảo vệ thành công hồ sơ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 năm 2022 (ISV20) tại tỉnh Đắk Nông, trước Ban Điều hành Ủy ban hang động núi lửa quốc tế vào cuối năm 2021. Đây là một sự kiện đối ngoại quan trọng, không chỉ giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất mang tầm quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, mà còn thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, làm giàu thêm các giá trị của di sản địa chất độc đáo này.
Ngoài các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông còn chú trọng xây dựng, tổ chức các hoạt động giao lưu trên nền tảng trực tuyến. Vừa qua, Ban Quản lý Công viên địa chất Đăk Nông đã phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Hakusan Tedorigawa (tỉnh Ishikawa, Nhật Bản) tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa trực tuyến giữa học sinh, sinh viên trong vùng công viên địa chất. Là hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Các Dân tộc Bản địa Thế giới 9/8 do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu phát động, chương trình đã tạo cơ hội cho các bạn trẻ hai tỉnh giao lưu, hiểu biết thêm về các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa sinh sống trong các vùng công viên địa chất.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 7 (APGN7) diễn ra tại Satun, Thái Lan từ ngày 5-11/9 vừa qua, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với CVĐCTC UNESCO Maros Pangkep, Indonesia, giai đoạn 2022-2027.
Đại diện BQL CVĐCTC UNESCO Đắk Nông – Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc và đại diện BQL CVĐCTC UNESCO Maros Pangkep (Indonesia) – Ông Dedy Irfan Bachri, Giám đốc, đã tiến hành ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2027. |
Với sự chứng kiến của đại diện hai bên (về phía Việt Nam có GS. TS Trần Tân Văn, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC Việt Nam và TS. Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Giám đốc BQL CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; Về phía Indonesia có GS. Mega Fatima Rosana, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia, Ban Chỉ đạo Mạng lưới CVĐC quốc gia Indonesia và Ông Togu Pardede, Vụ phó Vụ Địa chất, Khai thác và Địa nhiệt, Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia), Biên bản ghi nhớ đã mở ra cơ hội hợp tác giữa hai CVĐC trên nhiều lĩnh vực với các hoạt động thiết thực và thú vị như: giao lưu, trao đổi đoàn giữa học sinh các trường trong vùng CVĐC, Hội trại CVĐC, diễn đàn trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm về bảo vệ di sản; truyền thông về khoa học địa chất, phát triển du lịch địa phương…
Đây là biên bản ghi nhớ hợp tác quốc tế đầu tiên của Mạng lưới CVĐC quốc gia Việt Nam, mở ra cơ hội thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Mạng lưới 2 quốc gia Việt Nam và Indonesia trong thời gian tới.
Bên lề Hội nghị, đại diện CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cũng chủ động tiếp xúc với Chủ tịch các Mạng lưới quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia) và đại diện BQL các Công viên địa chất toàn cầu có hang động núi lửa trong APGN như CVĐCTC Aso (Nhật Bản), CVĐCTC Rinjini – Lombok (Indonesia), CVĐCTC Jeju, Hantangang, Mudongsan, Cheongsong… (Hàn Quốc) để mời tham dự và trình bày tham luận tại Hội nghị ISV20 do tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức vào tháng 11 nay năm.
Tiếp xúc với đại diện các Mạng lưới quốc gia |
Đại diện BQL – Bà Trần Nhị Bạch Vân cũng đã có bài tham luận về "Kỳ quan núi lửa và hang động núi lửa trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông" nhằm giới thiệu về những di sản địa chất độc đáo, quý hiếm của địa phương. Đồng thời, thể hiện những nỗ lực của chính quyền và người dân tỉnh Đắk Nông trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đoàn công tác để quảng bá và thu hút đại biểu đăng ký tham dự ISV20 tại Đắk Nông.
Một trong những nỗ lực của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được ghi nhận và đánh giá cao tại APGN7 là việc khởi xướng ý tưởng thành lập nhóm chuyên đề về Hang động núi lửa trong Mạng lưới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trên cơ sở khuyến cáo của các nhà khoa học về tính quý hiếm và độc đáo của di sản địa chất "hang động núi lửa" và qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu các CVĐCTC trong Mạng lưới khu vực, nhận thấy chỉ có 7/80 thành viên của Mạng lưới khu vực có hang động núi lửa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã đề xuất ý tưởng thành lập một nhóm chuyên đề về hang động núi lửa trong Mạng lưới Châu Á – Thái Bình Dương, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn, khai thác và phát huy bền vững các giá trị của di sản địa chất độc đáo này.
Hiện đại diện các CVĐC đang tiếp tục trao đổi để phát triển ý tưởng và đề xuất ký kết biên bản ghi nhớ đa phương tại Hội nghị ISV20 ở Đắk Nông, tiến đến trình Ban Điều hành Mạng lưới toàn cầu việc thành lập nhóm chuyên đề về Hang động núi lửa tại Hội nghị Mạng lưới CVĐCTC vào năm 2023 ở Ma-rốc.
Với những kết quả đạt được tại APGN7 nói riêng và trong quá trình hoạt động từ khi được công nhận danh hiệu toàn cầu đến nay, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thể hiện rõ tinh thần cầu thị, thái độ tích cực, chủ động hợp tác quốc tế với các thành viên trong Mạng lưới khu vực và toàn cầu, từng bước góp phần thực hiện thành công chính sách đối ngoại của địa phương.
Trần Nhị Bạch Vân