Nội dung bài viết

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 29/11/2022 | 16:39  | View count: 13381

Nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của địa phương; phát triển sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ lực, tiềm năng của tỉnh và sản phẩm đặc trưng của địa phương đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng, theo chuỗi giá trị ngành hàng, đa giá trị; quan tâm phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tận dụng tối đa lợi thế về khí hậu, đất đai, vị trí địa lý và nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và phát triển bền vững, góp phần giải quyết việc làm, nâng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất; ... UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 693/KH-UBND ngày 23/11/2022 cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông với mục tiêu đến năm 2025:

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 4,5%/năm. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 5,6%/năm, trong đó: Nông nghiệp 5,5% (trồng trọt: 5,0%/năm, chăn nuôi: 7,0%/năm, dịch vụ nông nghiệp: 6,0%/năm), Lâm nghiệp 4,0%/năm và Thủy sản 7,5%/năm; Cơ cấu: Nông nghiệp chiếm 98,52% (Trồng trọt: 85,97%, Chăn nuôi: 11,39%, Dịch vụ nông nghiệp: 2,63%), Lâm nghiệp chiếm 0,32% và Thủy sản chiếm 1,16%. Tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân năm 7-8%. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng.

Ảnh minh họa

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 25% trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt 7-8%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.

Công nhận mới thêm 30 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt trên 80 sản phẩm đến năm 2025, trong đó có ít nhất 10% sản phẩm đạt 4-5 sao, có ít nhất 45% Hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP.

Mở rộng và phát triển thị trường, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông sản đạt bình quân 5%/năm; đến năm 2025, giá trị xuất khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD.

Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước trên 35%. Tỷ lệ diện tích rừng trồng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận trên 30%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch trên 70%.

Ảnh minh họa

Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt trên 45%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm.

Phấn đấu có ít nhất 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt từ 17,2 tiêu chí nông thôn mới/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Hình thành và phát triển thêm 12 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số vùng lên 16 vùng vào năm 2025; Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng một phần công nghệ cao chiếm từ 15-20% trong giá trị sản xuất nông nghiệp; Công nhận thêm 3 đến 4 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40% gắn với nâng cao chất lượng rừng và phát triển kinh tế rừng.

Tiến Đạt