Nội dung bài viết
Nhằm hình thành và phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả, rau chủ lực, thế mạnh địa phương gắn với ngành chế biến rau quả của tỉnh, phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững; đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; áp dụng công nghệ tiên tiến với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao đối với thị trường trong nước và xuất khẩu, ngày 13/12/2022, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 766/KH-UBND phát triển ngành hàng cây ăn quả, rau chủ lực và thế mạnh tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 với các mục tiêu:
(Ảnh minh họa)
Phát triển diện tích cây ăn quả đạt 22.800 ha, sản lượng đạt 130.000 tấn.
Rau các loại: Phát triển trên 10.000 ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn; các vùng sản xuất tập trung tại các huyện: Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Đắk R'lấp, Tuy Đức và thành phố Gia Nghĩa.
100% cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản rau quả được hỗ trợ thông tin/kiến thức, cải tạo và nâng cấp để nâng cao năng lực chế biến, trình độ công nghệ phù hợp với sản lượng và đặc tính cho các loại rau quả chủ lực nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.
Có 70% trở lên cơ sở chế biến rau quả có quy mô nhỏ và vừa có công suất và công nghệ phù hợp với đặc thù và khả năng sản xuất nguyên liệu của tỉnh nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm rau quả chế biến.
Hình thành được những vùng sản xuất rau quả tập trung có địa chỉ cụ thể gắn với doanh nghiệp/ hợp tác xã/các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy móc, trang thiết bị, xưởng sơ chế, chế biến, đóng gói và kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói đồng bộ đáp ứng được yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thu hút hoặc liên kết vùng ít nhất 01 doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường đầu tư nhà máy chế biến sâu, chế biến tổng hợp để đa dạng hóa sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng cao (như chế biến thành thực phẩm, mỹ phẩm...) từ những mặt hàng rau quả còn nhiều dư địa về thị trường mà tỉnh có lợi thế về sản xuất và tỷ lệ đưa vào chế biến còn thấp như bơ, mít, xoài, sầu riêng, chanh dây và các loại rau xanh (cải thảo, cải xanh, su hào, cải củ, cải bắp, cà chua, dưa chuột, cà rốt, rau gia vị …).
100% phế phụ phẩm trong sản xuất, chế biến rau quả được tận dụng chế biến để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường (thức ăn chăn nuôi, phân bón ...) và hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất, chế biến rau quả.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 4 nhóm nhiệm vụ thực hiện, gồm: (1) Thiết lập cơ sở dữ liệu ngành hàng rau, quả; (2) Phát triển và nâng cao năng lực sản xuất rau, quả nguyên liệu phục vụ ngành chế biến; (3) Phát triển và nâng cao năng lực sơ chế, chế biến, bảo quản rau, quả và (4) Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm rau quả.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch.
Tiến Đạt