Nội dung bài viết
ĐỀ CƯƠNG
TUYÊN TRUYỀN 62 NĂM NGÀY KỶ NIỆM
THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK NÔNG (20/12/1960 - 20/12/2022)
1. Bối cảnh lịch sử
Sau khi Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới thống nhất đất nước. Theo Hiệp định, Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tiến hành chuyển quân, tập kết và sau 2 năm (7/1954 - 7/1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử chung để thống nhất đất nước. Nhưng với âm mưu thôn tính Việt Nam, ngay từ đầu tháng 7-1954, đế quốc Mỹ dần dần thay thế thực dân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về nước, từng bước lập chính quyền tay sai dưới quyền điều khiển trực tiếp của Đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Mỹ - Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ, chuẩn bị chiến tranh xâm lược miền Bắc Việt Nam và toàn Đông Dương. Chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách "tố cộng, diệt cộng"; tiến hành cải cách điền địa, lập các khu dinh điền, khu trù mật... điên cuồng đánh phá phong trào cách mạng của quân và dân miền Nam.
Ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, từ cuối năm 1954, Mỹ - Diệm áp dụng chế độ xâu thuế cũ của thời Pháp, bắt đồng bào nộp thuế thân, đồng thời dùng chính sách mua chuộc, lừa mị đồng bào các dân tộc như khuếch đại sức mạnh của Mỹ, cho hoặc bán rẻ hàng viện trợ Mỹ, để từ đó xây dựng cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế phục vụ cho chính sách thuộc địa kiểu mới. Để đàn áp sự chống đối của đồng bào các dân tộc, địch củng cố lại Trung đoàn 45 của Pháp và đưa thêm một số tiểu đoàn người Nùng từ miền Bắc vào, xây dựng hệ thống đồn bốt tại các địa điểm xung yếu, thành lập các tổ chức, đảng phái phản động làm chỗ dựa cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ tháng 4-1957 đến cuối năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm đã lôi kéo hàng vạn giáo dân di cư từ miền Bắc vào miền Nam, đưa dân các tỉnh miền Trung lên Tây Nguyên. Mặt khác, chúng gom dân sống rải rác ở vùng rừng núi vào các khu dinh điền để dễ bề kiểm soát và xây dựng cơ sở chống phá cách mạng. Trên địa bàn Đắk Nông, địch gấp rút mở rộng đồn điền Đắk Mil, Đắk Song, lập ra các khu di cư ở Đức Minh, Đức Mạnh (Đắk Mil), phát triển đạo Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số để tạo cơ sở chính trị - xã hội cho chế độ Diệm. Tại quận Kiến Đức, xác định đây là cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên tiến xuống miền Đông Nam bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nên chính quyền Ngô Đình Diệm càng chú trọng xây dựng các dinh điền thành một cứ điểm "bất khả xâm phạm", là "pháo đài" để ngăn chặn cộng sản và sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, đồng thời cũng là nơi cung cấp tin tức và địa bàn xuất phát các cuộc hành quân càn quét của chúng.
Nhận thức sâu sắc vị trí chiến lược quan trọng của địa bàn tỉnh Quảng Đức, quán triệt Nghị quyết 15 (1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để đưa cán bộ, bộ đội và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam, nhất là Nam Bộ, việc khai thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam được đặt ra như một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng thành lập "Đoàn công tác quân sự đặc biệt"[1]. Ngay sau đó, tuyến đường bộ trên dãy núi Trường Sơn được gấp rút khai phá. Ngày 25-5-1959 Bộ Quốc phòng và Ban thống nhất Trung ương tổ chức Đoàn B90 thực hiện nhiệm vụ: "về chiến trường miền Nam, đến Nam Đắk Lắk, hợp nhất với đội vũ trang công tác Bắc Đắk Mil (Nam Đắk Lắk) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, gây dựng cơ sở và xoi, mở đường về Nam Bộ, xây dựng hành lang chiến lược nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ". Cùng vào thời gian này, Trung ương chỉ đạo Xứ ủy Nam Bộ phải trực tiếp chỉ đạo liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức (đội C200, C270) mở đường từ chiến khu Đ ra Nam Tây Nguyên, bắt liên lạc với đoàn B90.
Triển khai nhiệm vụ trọng yếu đó, đoạn đường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày nay đã diễn ra các hoạt động xoi đường, bắt nối, khai thông tuyến hành lang chiến lược Bắc - Nam của đoàn B90 và C200; các hoạt động xây dựng lực lượng, kiện toàn tổ chức và kháng chiến sôi nổi ở các căn cứ Nâm Nung, quanh quận lỵ Đức Lập. Khi có các đội công tác xoi mở đường hành lang chiến lược (Đoàn B90) đi qua địa bàn Đắk Nông, đồng bào dân tộc nơi đây dù vẫn đang "đói cơm, lạt muối" vẫn tích cực ủng hộ, chở che cho cán bộ các đội công tác, góp phần quan trọng cho nhiệm vụ xoi mở đường hành lang chiến lược đi qua địa phương. Chiều ngày 30-10-1960, đội xoi đường của Nam Tây Nguyên bắt được liên lạc với đội xoi đường miền Đông Nam Bộ (C200) tại suối Đắk R'Tih (nay là thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Sau đó, đúng 20 giờ ngày 04-11-1960, đội xoi đường thứ hai của Đoàn B90 bắt nối liên lạc với đơn vị C270 lực lượng vũ trang tỉnh Phước Long, Đông Nam bộ tại chân trụ kilômét số 4 đường 14 kéo dài đoạn từ Đắk Song đi Gia Nghĩa (nay thuộc thôn 8 xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Nhiệm vụ khai thông đường hành lang Bắc - Nam đi qua địa bàn Quảng Đức có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược, chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt, nối liền Liên Khu ủy V với miền Đông Nam bộ, nối liền tiền phương miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; mở ra một vùng rộng lớn trở thành căn cứ địa kháng chiến.
2. Thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông)
Khi bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với vị trí địa chính trị - quân sự quan trọng nằm ở Nam Tây Nguyên, những năm đầu kháng chiến địa bàn Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) nằm trong vùng "bất khả xâm phạm" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; chúng coi nơi đây như một "cánh cửa thép" nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, nơi có vị trí chiến lược nhằm khống chế toàn bộ vùng Nam Tây Nguyên - Đông Nam bộ và Đông Bắc Campuchia. Cả một vùng rừng núi bao la, rộng lớn, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng từ thời Pháp cho đến năm 1959, đều do địch kiểm soát, bộ máy tề, điệp chúng tổ chức khắp nơi, đời sống các dân tộc nơi đây vô cùng cơ cực. Để thiết lập hành lang chống cộng sản ở Tây Nguyên và ngăn chặn sự chi viện của ta đối với cách mạng miền Nam, ngày 23/01/1959, Tổng thống Việt Nam cộng hòa ra Sắc lệnh số 24-NV thành lập tỉnh Quảng Đức trực thuộc "Đệ tứ Quân khu" và chia làm ba quận: Kiến Đức, Đức Lập và Khiêm Đức.
Trước tình hình đó, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến lược và điều kiện chiến tranh, tháng 12 năm 1960, Trung ương quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức (dựa trên cơ sở địa giới hành chính của chính quyền Sài Gòn) và Đảng bộ tỉnh Quảng Đức trực thuộc Liên Khu uỷ V; Ban chỉ đạo đầu tiên của tỉnh do Trung ương chỉ định gồm có đồng chí Vũ Anh Ba làm Bí thư Ban cán sự (đến năm 1961, đồng chí Phạm Thuần (Chín Cán) làm Bí thư Ban Cán sự tỉnh); các đồng chí Trần Phòng (Bảy Biên), Lê Đạo (Ba Đạo, Ama Nhao) Ama Sa (YB'Ơ), Trần Quang Sang (Bá Phước), Phùng Đình Ấm (Ba Cung), Phạm Văn Lạc (Tư Lạc) là ủy viên.
Khi thành lập, tỉnh Quảng Đức gồm 4 huyện: Kiến Đức, Khiêm Đức, Đức Lập và Đức Xuyên. Nhiệm vụ trước mắt của Ban cán sự Đảng tỉnh là kiện toàn tổ chức Đảng, trước hết là ban cán sự đảng các huyện, nhằm tạo điều kiện tăng cường tổ chức xây dựng thực lực cách mạng trên các địa bàn trọng điểm. Thực hiện chủ trương này, Đảng bộ huyện Đức Lập là huyện đầu tiên của Quảng Đức lập Ban Chấp hành Đảng bộ, do đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Ama Tân) làm Bí thư Huyện uỷ. Ở Kiến Đức (nay là Đắk R'lấp) lập Ban Cán sự, do đồng chí Phùng Đình Ấm (Ba Cung) làm Bí thư. Ở Khiêm Đức (Đắk Nông) do đồng chí Trần Quang Sang làm Bí thư, sau đó đồng chí Lê Đạo (Ama Nhao) Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Quảng Đức, trực tiếp làm Bí thư Ban Cán sự.
Sau khi kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy, Ban Cán sự Đảng tỉnh chỉ đạo các huyện tổ chức Đại hội để thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng của các địa phương, kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng đứng lên diệt ác, phá kìm, chuyển sang thế đấu tranh bất hợp pháp chống địch; tập trung xây dựng củng cố vùng căn cứ kháng chiến, tích cực sản xuất tự túc lương thực; hăng hái đóng góp sức người, sức của và bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn Quảng Đức, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
3. Ý nghĩa lịch sử
Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông) tháng 12/1960 đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường đấu tranh cách mạng và sự phát triển đi lên của tỉnh. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển về vai trò và quy mô lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức, chuyển từ thế giữ gìn lực lược sang thế tiến công cách mạng theo tinh thần Nghị quyết 15 của Đảng. Đánh dấu thời kỳ quân và dân các dân tộc Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) chính thức là đơn vị hành chính cấp tỉnh và có một Đảng bộ lãnh đạo toàn diện phong trào cách mạng; góp phần cùng cả nước kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Với ý nghĩa đó, ngày 17 tháng 5 năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã quyết định[2] lấy ngày 20 tháng 12 năm 1960 làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông.
4. Một số thành tựu nổi bật của tỉnh Đắk Nông
Trải qua 62 năm xây dựng và hoạt động, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông ngày càng trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Từ năm 1960 đến nay, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông trải qua 12 kỳ đại hội. Trong mỗi kỳ Đại hội, luôn chú trọng kiểm điểm, đánh giá đúng tình hình thực hiện sự lãnh đạo của Đảng bộ trong thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, gặt hái được nhiều thành qủa quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Kinh tế tăng trưởng khá; quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức trung bình các tỉnh Tây Nguyên và vượt khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp của cả nước. Thu ngân sách ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng từng bước cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu đạt nhiều kết quả tích cực.
Nông nghiệp tăng trưởng cao so với bình quân cả nước. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Công nghiệp tăng trưởng khá, từng bước trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nỗ lực phối hợp và tạo điều kiện thúc đẩy Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động và chủ động đón đầu các dự án công nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp nhôm. Thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển đạt nhiều kết quả tích cực.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã rất cố gắng bảo đảm an sinh xã hội chăm lo thực hiện chính sách dân tộc; từng bước cải thiện chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững đạt kết quả đáng khích lệ.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ và quản lý rừng, quản lý dân cư và ổn định các địa bàn có dân di cư tự do. Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tỉnh Mondulkiri của Campuchia, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phát triển.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng triển khai gắn với tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đoàn kết, thống nhất. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp từng bước được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn. Đảng bộ luôn giữ vững vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Số lượng đảng viên tăng nhanh, tính đến ngày 5/12/2022 có 12 đảng bộ trược thuộc, 438 tổ chức cơ sở đảng gồm: 167 đảng bộ cơ sở, 271 chi bộ cơ sở, 1.716 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 27.541 đảng viên. Cán bộ, đảng viên luôn giữ vững lập trường tư tưởng, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là những nòng cốt, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chào mừng 62 năm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (20/12/1960 - 20/12/2022) là dịp để toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng nhau ôn lại quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh; nâng cao hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước, phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên"./.
[1] Ngày 12-9-1959 Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 446/QĐ hợp thức việc thành lập "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" lấy tên là Đoàn 559 ( tên gọi thời điểm thành lập) - Dẫn theo: Bộ Quốc Phòng - Viện Lịch sử Quân sự: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H, 2004, tr 181-182
[2] Quyết định số 497-QĐ/TU, ngày 17/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quyết định ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông .