Nội dung bài viết
Chiều ngày 12/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì Hội nghị. Cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan.
Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố cùng các doanh nghiệp có liên quan tham dự.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019 ngành nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng khá với tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,01%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2020 cả nước gieo cấy đạt khoảng 3,01 triệu ha lúa đông xuân, giảm khoảng 110 nghìn ha so với năm 2019; cây rau màu được phát triển mạnh; cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều loại đang cho thu hoạch, dịch tả lơn châu phi tiếp tục được kiểm soát, trên 97% số xã không còn dịch sau 30 ngày, người dân và doanh nghiêp tăng đầu tư tái đàn khôi phục sản xuất, đàn bò tăng 2,4%, đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn lợn giảm 23% so với tháng 2/2019.
Năm 2020, ngành nông nghiệp nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Tác động của sự biến đổi khí hậu gây hạn hán nhiều nơi; dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp: Dịch tả châu phi chưa được khống chế hoàn toàn, một số dịch bệnh khác như lở mồm long móng, bệnh dại… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chăn nuôi của nước ta.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của đất nước. Trong thời gian tới đồng chí đề nghị toàn ngành cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo nguồn lương thực trong nước. Trong đó có các giải pháp trọng tâm như điều chỉnh, rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đổi với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực; phát triển các giống cây ăn quả có lợi thế tại các địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao công công suất chế biến, đa dạng các sản phẩm chế biến bảo đảm yêu cầu xuất khẩu nông sản... Tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước; đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng con giống, sản phẩm giống trong sản xuất…
AD