Nội dung bài viết
Trước những tiềm năng, lợi thế và hiệu quả kinh tế mà nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại cho người dân, huyện Krông Nô đang chú trọng phát triển thành "Làng nghề trồng dâu nuôi tằm", tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Hơn 10 năm trồng dâu, nuôi tằm, tháng nào ông Nguyễn Trung Nhân, ở thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú (Krông Nô), cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Ông Nhân cho biết, gia đình ông có 1,5 sào đất trồng dâu, nên cứ đều đặn mỗi tháng ông tiến hành 2 đợt nuôi tằm. Số lượng tằm nuôi dựa vào lượng dâu trồng được, nên mỗi đợt ông Nhân nuôi gần 1 hộp tằm giống, với chi phí gần 1 triệu đồng. Sau 15 ngày, tằm cho thu hoạch được khoảng 45 kg kén, với giá bán 160.000 đồng/kg như hiện nay, ông thu được hơn 6 triệu đồng trừ chi phí.
Cây dâu tằm phát triển tốt và cho sinh khối lớn ở nhiều địa phương của huyện Krông Nô |
Ông Nhân chia sẻ: "Nuôi tằm kỹ thuật dễ, chỉ cần chủ động được đủ lượng thức ăn cho tằm là có thể bắt tay vào nuôi. Hiện nay, các công ty chuyên về tơ tằm cung cấp và kiêm luôn thu mua kén nên rất thuận lợi. Sắp tới gia đình tôi trồng thêm 1 sào dâu nữa để mở rộng quy mô nuôi tằm".
Tương tự, gia đình ông Phạm Xuân Trường, trú tại thôn Phú Hòa, xã Quảng Phú, là một trong những người nuôi tằm lâu năm và quy mô lớn tại địa phương. Để chủ động nguồn thức ăn cho tằm, ông Trường dành 1,5 ha đất để trồng loại dâu siêu lá. Dựa vào lượng lá dâu sẽ thu hoạch được từng đợt, ông Trường nhập giống tằm về nuôi. Ông nuôi tằm với tần suất cách nhau từ 5 – 7 ngày nuôi một lứa. Với diện tích dâu này, mỗi đợt nuôi, ông nhập từ 1 - 1,5 hộp giống. Sau 15 ngày nuôi, ông Trường thu được từ 120 – 130 kg kén, thu về gần 20 triệu đồng trừ chi phí.
Ông Trường chia sẻ: "Trong 15 ngày nuôi, mỗi lứa tằm thì có 5 ngày vất vả, còn lại thì cứ cho ăn đúng giờ là được. Do thời gian nuôi mỗi lứa ngắn, nên thu hồi vốn nhanh, giá kén tốt, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi".
Trồng dâu, nuôi tằm đang trở thành nghề "cứng" mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân |
Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh tại địa phương 5 năm trở lại đây. Hiện nay toàn xã có khoảng 40 hộ nuôi tằm, với hơn 20 ha đất trồng dâu phục vụ nuôi tằm. Với nhiều ưu điểm như vốn ít, thu hồi vốn nhanh, lao động tranh thủ, hiệu quả kinh tế cao... nghề trồng dâu nuôi tằm ngày càng được nhiều hộ dân lựa chọn. Thời gian qua, xã Quảng Phú đã triển khai tập huấn nghề trồng dâu nuôi tằm cho người dân, đồng hành với người dân trong việc hỗ trợ dụng cụ sản xuất, giống, đầu ra… Cùng với đó, xã xác định trồng dâu nuôi tằm là nghề góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả tại địa phương, nên đã khuyến khích người dân đầu tư phát triển.
Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô, toàn huyện có khoảng 100 ha trồng dâu làm thức ăn cho tằm. Từ năm 2016 đến nay, trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh, nhiều giống dâu sinh khối lớn được người dân đưa vào sản xuất. Nhiều người dân có quá trình nuôi tằm lâu dài, am hiểu kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm nên đã khai thác được hiệu quả kinh tế tốt. |
Cũng theo ông Lộc, huyện Krông Nô đang định hướng xây dựng, phát triển các "Làng nghề trồng dâu nuôi tằm". Trước mắt, huyện đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ xây dựng mô hình ươm tằm giống để phục vụ người dân tại địa phương. Chủ trương của huyện là đưa nghề trồng dâu nuôi tằm trở thành một trong lĩnh vực "trụ cột" trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn...
Theo báo Đắk Nông điện tử