Nội dung bài viết
Tính đến sáng 19/4, lần đầu tiên (kể từ ngày 7/3 - xuất hiện ca bệnh thứ 17) ngày thứ 3 liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID -19, số bệnh nhân khỏi bệnh là 201 người chiếm 75%. Đáng nói là các ca bệnh nặng có tiến triển dần tốt lên. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan, lơ là. Chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng 19/4 |
Không có người mắc mới, các bệnh nhân nặng đã qua cơn nguy kịch
Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 19/4 Việt Nam, lần đầu tiên kể từ ngày 7/3 (ngày xuất hiện ca bệnh số 17) đã 3 ngày liên tiếp, Việt Nam không xuất hiện thêm ca mắc mới. ghi nhận 268 ca mắc COVID-19 (160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%); không có ca tử vong.
Bên cạnh đó, chúng ta đã điều trị khỏi bệnh cho 201 người, hiện 67 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại đang điều trị tại 11 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có số lượng bệnh nhân điều trị đông nhất với 43 bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định. Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 14 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 6 ca.
Điều đáng nói là, tình hình sức khoẻ của các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bênh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh hiện đều tiến triển tốt lên, qua nguy kịch. Các y bác sĩ đang tiếp tục nỗ lực để điều trị, chăm sóc các bệnh nhân này. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan, lơ là. Chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 62.998, trong đó 279 người đang cách ly tập trung tại bệnh viện; 11.338 người đang cách ly tập trung tại cơ sở khác; 51.381 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
* Kể từ ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã lan ra 211 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên thế giới, với 2.260.750 người mắc bệnh; 154.712 người tử vong. Trong đó Hoa Kỳ đã ghi nhận 710.272 người mắc; 37.175 người tử vong. Italy có172.434 người mắc; 22.745 người tử vong. Tây Ban Nha 190.839 người mắc; 20.002 người tử vong. Pháp 147.696 người mắc; 18.681 người tử vong.
Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới. |
13.007 mẫu ở Hạ Lôi âm tính
Tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội hiện nay ghi nhận 13 ca mắc COVID-19. Cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 13.012 mẫu xét nghiệm, trong đó 13.007 mẫu âm tính, 5 mẫu dương tính.
Về việc xử lý ổ dịch tại Hạ Lôi, cơ quan chức năng đã cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi kể từ ngày 8/4/2020; bố trí 12 chốt, 66 tổ giám sát kiểm soát chặt chẽ người ra vào thôn. Ngoài ra, thành phố Hà Nội tăng cường 15 tổ chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.
* Liên quan đến trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 số 262 (ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) làm việc tại Công ty SamSung, Bắc Ninh, đã rà soát 210 đối tượng tiếp xúc gần (F1) và 1.109 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2); lấy 277 mẫu xét nghiệm, trong đó có 190 mẫu âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
110 trường hợp liên quan đến BN262 tại các tỉnh khác đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Để chủ động ứng phó với các tình huống dịch theo tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng, điều chỉnh kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch trên địa bàn, ban hành Phương án cách ly vùng có dịch, Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến ứng phó với dịch COVID-19. Đồng thời, thành lập 315 chốt liên ngành kiểm soát dịch ở các cấp nhằm phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có yếu tố dịch tễ để khám, sàng lọc.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên tới các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở khám, chữa bệnh và các khu cách ly tập trung. Thực hiện khẩn trương, quyết liệt việc điều tra, giám sát dịch tễ, thực hiện các hình thức cách ly đối với các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp tiếp xúc (trực tiếp, gián tiếp) đối với các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, đặc biệt là bệnh nhân 262, tổ chức cách ly, xét nghiệm kịp thời, sớm khoanh vùng, dập dịch…
Số ca mắc COVID-19 tại các nước ASEAN. |
BN268 sức khỏe ổn định, thể trạng đang tốt lên
Về bệnh nhân số 268 mắc COVID-19 (Bộ Y tế công bố 6h sáng ngày 16/4), bác sĩ Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang thông tin cho biết, sức khỏe của bệnh nhân số 268 hiện đang được điều trị tại khu cách ly của BVĐK huyện Đồng Văn, ổn định, không sốt, không ho, không khó thở. Thể trạng đang tốt lên.
Hiện nay ngành y tế Hà Giang đang thực hiện cách ly 3 khu vực bao gồm: Thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn; Phòng khám đa khoa Phố Bảng, huyện Đồng Văn (nơi bệnh nhân đến khám đầu tiên vào ngày 8/4/2020) và BVĐK huyện Đồng Văn (nơi người bệnh đến điều trị và thực hiện cách ly tại đây).
Qua rà soát có 318 người liên quan đến bệnh nhân 268. Tổng số mẫu đã lấy xét nghiệm là 147 mẫu.. Tổng số mẫu đã có kết quả xét nghiệm là 22 mẫu, gồm 16 người nhà người bệnh, 6 cán bộ y tế của BVĐK huyện Đồng Văn và Trung tâm y tế huyện Đồng Văn đều cho kết quả âm tính... Ngành y tế Hà Giang đã phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ các hộ trong thôn Pín Tủng, Phòng khám đa khoa Phố Bảng và BVĐK huyện Đồng Văn.
Cuối giờ chiều ngày 18/4, bác sĩ Lương Viết Thuần thông tin, nhiều mẫu xét nghiệm của tỉnh Hà Giang gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho kết quả âm tính.
Theo đó, căn cứ vào phiếu trả lời kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có 135 mẫu xét nghiệm của tỉnh Hà Giang gửi về cho kết quả âm tính, trong đó liên quan đến bệnh nhân 268 là 122 trường hợp.
Từ kết quả này, Sở Y tế Hà Giang khuyến cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của các đơn vị, cơ quan không được chủ quan, tiếp tục theo dõi, thực hiện các biện pháp cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
3 nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống dịch
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 17/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh 3 điểm trong công tác chống dịch hiện nay là: Phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội.
Phải tiếp tục kiên định, quyết liệt tiếp tục tực hiện thật nghiêm, thật tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các hướng dẫn, và luôn bám sát nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch.
Theo Phó Thủ tướng, vì dịch còn dài nên phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn. Có an toàn mới phát triển được, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. An toàn đầu tiên là trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; tiếp đến là an toàn trong học tập;thứ 3 là đi lại an toàn;thứ 4 là sản xuất-kinh doanh an toàn; thứ 5 là các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn và cuối cùng là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch.
Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân. Theo đó, dễ thấy nhất là các giải pháp thực hiện chuyển đổi số để tận dụng thời cơ của thời đại số hóa, của cuộc cách mạng 4.0. Từ việc hội họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến đến tư vấn khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử... sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Tiếp đến là một số thói quen trong ăn uống, sinh hoạt, thói quen chen lấn, không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng, ở các lễ hội xô bồ, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống…
Bộ Y tế khuyến cáo 10 biện pháp đơn giản phòng, chống dịch COVID-19
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 m.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.
Theo chinhphu.vn