Nội dung bài viết

Hội thảo chuyên đề về “Giải pháp giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư”
Ngày đăng 18/06/2020 | 16:48  | View count: 32768

Sáng ngày 18/6, tại khách sạn New Sunrise, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Ủy Ban dân tộc tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Giải pháp giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư”.

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự Hội thảo, có hơn 150 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của 23 tỉnh/thành phố. Về phía tỉnh Đắk Nông có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn, còn có nhiều hạn chế về kinh tế-xã hội, trình độ dân trí chưa cao, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp so với mặt bằng chung, tỉ lệ dân tộc thiểu số cao, dân di cư tự do nhiều… Tỉnh có 40 dân tộc cùng sinh sống, dân số 666.713 người với 162.832 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 46.561 hộ với 214.453 người chiếm tỷ lệ 32,17% dân số toàn tỉnh, có 03 DTTS tại chỗ là M'Nông, Mạ, Ê Đê với 15.262 hộ, 68.819 người chiếm 10,32% so với dân số toàn tỉnh. Từ năm 1976 đến tháng 4/2019 Đắk Nông có 38.191 hộ/173.973 khẩu dân di cư tự do từ các tỉnh thành trong cả nước đến sinh sống. 

Với Hội thảo lần này, đồng chí cũng mong muốn dưới sự chủ trì của Ủy ban Dân tộc, cùng với sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo và những người người có uy tín của 24 tỉnh, thành có đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư trên cả nước cùng nhau thảo luận, đánh giá một cách toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, những tồn tại trong công tác sắp xếp ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư; cùng thảo luận, trao đổi kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những giải pháp hữu hiệu giúp đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu, đã có nhiều thảo luận, trao đổi nhằm phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các ý kiến tập trung thảo luận các vấn đề như: Các nguyên nhân dẫn đến dân di cư tự do chủ yếu do đời sống của người dân ở các địa phương, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nước sản xuất, thiếu đất canh tác, thiếu cơ sở hạ tầng, địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, sạt lở…; sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong bố trí, ổn định dân cư; công tác tuyên truyền vận động người dân; việc giải quyết các tồn tại, nhiệm vụ, giải pháp bố trí ổn định dân di cư tự do…

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất Trung ương cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai khai các giải pháp giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư tự do.

Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao các ý kiến thảo luận và trình bày tại Hội thảo. Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đã gợi mở nhiều nội dung, cơ sở khoa học góp phần xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp sinh kế bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới để có giải pháp giảm thiểu di dân tự cho những năm tiếp theo, đồng chí Y Thông đề nghị các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương triển khai thực hiện các giải pháp trong thời gian tới: Xây dựng chính sách phù hợp để vùng có dân di cư không đi di cư; có chính sách di dân tập trung ổn định cuộc sống cho người dân đã đến như việc tạo điều kiện làm xổ hộ khẩu, giấy khai sinh cho trẻ em…; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng bào di dân di cư; có giải pháp hỗ trợ đất đai sản xuất và đào tạo, hướng dẫn nghề nghiệp lâu dài để đồng bào ổn định cuộc sống. Giảm nghèo bền vững là chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, thể hiện quan điểm, tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt hơn.

AD