Nội dung bài viết
Sau khi về đích nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đặt ra mục tiêu“cán đích” NTM nâng cao với quyết tâm mạnh mẽ. Thực tế, đối với nhiều địa phương có sẵn các lợi thế, tiềm lực, việc xây dựng NTM nâng cao là "nằm trong tầm tay"...
Điểm nhấn Tâm Thắng
Xuất phát điểm với chỉ đạt 3/19 tiêu chí NTM, nhưng đến năm 2016, xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã "cán đích" NTM giai đoạn 1. Đến năm 2019, Tâm Thắng tiếp tục được công nhận đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí mới. Hiện nay, đây là xã đầu tiên, duy nhất của Đắk Nông 2 lần được công nhận đạt chuẩn NTM.
Đường nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn 7, xã Tâm Thắng (Cư Jút) |
Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, năm 2019, xã được chọn để làm điểm xây dựng xã NTM nâng cao. Ngay từ đầu xã đã đề ra rất nhiều giải pháp để thực hiện xây dựng NTM nâng cao có hiệu quả. Trong đó, xã tập trung chủ động cho công tác chuẩn bị, quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức nắm rõ tinh thần, quyết tâm phấn đấu, tạo sự thống nhất trong tư tưởng để hành động. Xã phân công rõ nhiệm vụ, đề ra giải pháp cho từng tiêu chí và xem đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Anh Trần Thanh Tới, xã Tâm Thắng (Cư Jút) (bên phải) vui mừng được chọn xây dựng vườn mẫu |
Trong chỉ đạo, điều hành, xã Tâm Thắng luôn bám sát kế hoạch, tập trung thực hiện các tiêu chí nội lực, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ khó khăn. Tâm Thắng chọn thời điểm để thực hiện những công trình, phần việc cụ thể và có thời gian kết thúc rõ ràng. Từ đó, xã đã tạo thành nhiều phong trào, thu hút nhiều lực lượng tham gia và dồn sức cho tiêu chí nội lực, nhất là những tiêu chí liên quan đến đời sống người dân như giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường.
Anh Trần Thanh Tới, xã Tâm Thắng (Cư Jút) trồng thêm xoài để tăng thu nhập trong vườn cà phê |
Toàn xã Tâm Thắng có 4 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực vận tải, môi trường, thương mại, nông nghiệp, thu mua nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Địa phương có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu bảo đảm bền vững.
Trong xây dựng NTM, xã Tâm Thắng đã phát động được nhiều phong trào, trong đó, người dân hiến đất làm đường giao thông là một điển hình. Cụ thể, tỷ lệ đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT: 19,88 km/19,88 km, đạt 100%. Tỷ lệ đường trục thôn, bon, đường liên thôn, bon được nhựa hóa và cứng hóa: 15,81 km/16,65 km, đạt 95%; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa được cứng hóa là 24,3 km/27 km, đạt gần 90%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm là 3,9 km/3,9 km, đạt 100%. |
Hiện, xã đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập. Xã cũng đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục đích cao nhất là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Vinh, xã Tâm Thắng (Cư Jút) vui mừng khi được chọn làm mô hình kinh tế mẫu |
Nâng cao cả chiều rộng lẫn chiều sâu
Năm 2019, UBND tỉnh Đắk Nông chọn 5 khu dân cư để thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu gồm: Khu dân cư thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); thôn 7, xã Tâm Thắng (Cư Jút); thôn Mỹ Yên và thôn Xuân Trang, xã Đức Minh (Đắk Mil); thôn Nam Nghĩa và thôn Nam Hiệp, xã Nam Đà (Krông Nô) và thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp).
Tăng sự hài lòng người dân, không chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới Hàng năm, theo quy định, MTTQVN các cấp đều lấy phiếu về sự hài lòng của nhân dân trong xây dựng NTM. Ở tất cả các địa phương, đại đa số bà con đều bày tỏ sự hài lòng. Tuy nhiên, một số tiêu chí, nội dung bà con vẫn chưa thật sự hài lòng. Ví dụ như vấn đề về môi trường nông thôn, sử dụng điện an toàn… Đây là điều mà các cấp, ngành cần chú ý để triển khai NTM nâng cao phải bảo đảm được sự chăm lo toàn diện đời sống người dân, bộ mặt nông thôn, không quá chạy theo thành tích dẫn đến tình trạng "chín ép", huy động dân không đúng cách. (Đồng chí Điểu Xuân Hùng, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh) |
Trong mỗi khu dân cư này lựa chọn 2 vườn, rẫy mẫu để làm điểm. Đây là phương thức mà tỉnh đang triển khai nhằm đánh giá, nhân rộng các mô hình NTM nâng cao.
Thôn 7 xã Tâm Thắng (Cư Jút) 1 trong 5 địa bàn xây dựng NTM kiểu mẫu |
Theo đồng chí Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh, xã nào đạt ít tiêu chí NTM thì phấn đấu đạt nhiều tiêu chí hơn, năm sau phải đạt cao hơn năm trước. Xã nào đã đạt 19/19 tiêu chí NTM rồi thì nâng cao chất lượng từng tiêu chí. Các huyện Tuy Đức, Đắk Glong đến đầu năm 2020 chưa có xã nào đạt chuẩn NTM thì phải nỗ lực, tìm cách phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành để có 1 xã đạt chuẩn. "Làm sao cho người dân thấy rằng, đời sống, hạ tầng nhất là điện, đường, trường, trạm ở xã NTM hơn xã chưa đạt NTM, xã NTM nâng cao hơn xã mới đạt NTM. Làm sao cho dân giàu lên, bà con hài lòng về công sức của mình bỏ ra đó là chính là NTM bền vững", Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
|
Các bộ tiêu chí NTM nâng cao đều bao trùm lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... đều cao hơn so với quy định chung. Điểm nổi bật trong mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là nâng cao đời sống người dân nông thôn. Trong đó, NTM nhắm tới các mục tiêu gồm: Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn...
|
Theo Báo Đắk Nông điện tử