Nội dung bài viết

Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Ngày đăng 09/07/2020 | 09:43  | View count: 11554

Chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng, môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.

Đó là nội dung "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025" vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt tại Quyết định 972/QĐ-TTg.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm cuối thực hiện Kế hoạch; xây dựng thành công ít nhất 500 có sở chăn nuôi lợn và 50 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn; có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Đồng thời, xây dựng thành công ít nhất 2 phòng thí nghiệm quốc gia đạt an toàn sinh học cấp độ III và 2 cơ sở nuôi động vật sạch bệnh để phục vụ nghiên cứu, sản xuất vắc xin DTLCP và chẩn đoán, xét nghiệm bệnh có nguy cơ lây sang người; nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ và đặc điểm vi rút gây bệnh DTLCP để có giải pháp phòng, chống phù hợp và hiệu quả; bước đầu nghiên cứu vắc xin phòng bệnh DTLCP, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch đưa ra 13 nội dung gồm: 1- Chăn nuôi lợn an toàn sinh học; 2- Tổ chức nuôi tái đàn lợn; 3- Giám sát dịch bệnh; 4- Tiêu hủy lợn mắc bệnh; 5- Kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn; 6- Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn; 7- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; 8- Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 9- Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; 10- Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh DTLCP, vắc xin DTLCP; 11-Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; 12- Hợp tác quốc tế; 13- Chính sách hỗ trợ.

Trong đó, về chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện chăn nuôi tốt: cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt được mầm bệnh trong thức ăn; đồng thời vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.

Đối với tiêu hủy lợn mắc, nghi mắc bệnh DTLCP, yêu cầu tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh DTLCP.

UBND các cấp tham khảo, lựa chọn và áp dụng các biện pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm từ lợn có mầm bềnh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với lợn khỏe mạnh tại cơ sở có lợn mắc bệnh DTLCP hoặc tại các cơ sở chưa có lợn mắc bệnh nhưng nằm trong vùng dịch khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP có thể được vận chuyển, giết mổ theo hướng dẫn.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trong toàn quốc. Căn cứ tình hình thực tế và diễn  biến của dịch bệnh DTLCP, Ban Chỉ đạo quốc gia tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp.

Cục Thú y tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng kế hoạch giám sát cấp quốc gia hàng năm phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tổ chức thực hiện giám sát chủ động, giám sát lợn, sản phẩm lợn nhập lậu.

Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng các chuỗi, vùng sản xuất các sản phẩm lợn an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ tìm kiếm, đàm phán với các nước để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm lợn sang các nước; hướng dẫn thực hiện việc duy trì trạng thái an toàn bệnh DTLCP đối với các cơ sở đã được công nhận.

Theo chinhphu.vn