Nội dung bài viết
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU – Vietnam Free Trade Agreement), gọi tắt là Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Việc ký và thực thi Hiệp định EVFTA đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai bên, đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của EU trong ASEAN, và là một trong những nước Châu Á-Thái Bình Dương mà EU có quan hệ sâu rộng nhất cả về chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, môi trường, năng lượng bền vững và an ninh quốc phòng.
Một số nét chính về Hiệp định EVFTA
EVFTA là một FTA kiểu mới, toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế. Trong đó:
Về thương mại hàng hóa, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS), phòng vệ thương mại,… tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Về thương mại dịch vụ và đầu tư, các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Về thương mại điện tử, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử và cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử, bao gồm: Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin; Ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận (như thư điện tử chào hàng, quảng cáo…); Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử; Tích cực hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.
Về thương mại và phát triển bền vững, hai bên khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Về vấn đề lao động, với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hai bên cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi các công ước về lao động và môi trường trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản…
Các nội dung khác của Hiệp định EVFTA cũng được hai bên thống nhất và cam kết thực hiện nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Ý nghĩa của Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đặc biệt trên hai phương diện chính yếu như sau:
Thứ nhất, trên phương diện chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại: Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và bản thân nội bộ EU gặp nhiều khó khăn như sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và bảo hộ mậu dịch, Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn, có lợi cho cả đôi bên.
Với việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU-ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với EU trong tương lai.
Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có FTA với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Thứ hai, trên phương diện phát triển kinh tế, Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng. EU sau sự kiện Brexit rất cần những cú hích mới về thị trường. Với việc ký kết EVFTA, EU sẽ có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam, từ đó làm cửa ngõ để tiến sâu vào thị trường ASEAN. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thương mại hai chiều và đầu tư Việt Nam-EU được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả hai bên, giải quyết việc làm cho người lao động. Hiệp định thương mại tự do với EU giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó tốt hơn với các diễn biến bất lợi trong khu vực và trên trường quốc tế, đặc biệt là khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt và tác động bất lợi của dịch Covid-19 đối với kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu mỗi năm sang EU hơn 40 tỷ USD, trong đó xuất siêu gần 30 tỷ USD. Do vậy, hiệp định này sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.
Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Kết hợp với các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho cả đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới, giúp GDP tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn.
Bạch Vân (tổng hợp)