Nội dung bài viết
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tích cực tham gia. Sản phẩm OCOP của các HTX bước đầu ghi dấu ấn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong số 21 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông đợt I năm 2020, có 5 sản phẩm của 4 HTX bước đầu được hội đồng đánh giá chất lượng tốt. Trong đó, sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) là một trong số 2 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP xếp hạng cao nhất, đạt 4 sao, tức sản phẩm đạt tiêu chuẩn và có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông đợt 1 với sản phẩm hạt mắc ca sấy |
Hiện nay, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An đang liên kết với 58 hộ dân trồng 125 ha cà phê sạch cung cấp nguyên liệu chế biến cà phê bột Đắk Đam. Cà phê bột Đắk Đam của HTX trước đó từng được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu chuẩn cấp tỉnh - năm 2018; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu chuẩn cấp khu vực và được tổ chức FAIRTRADE chứng nhận đạt tiêu chuẩn…
Cà phê bột Đắk Đam hiện có mặt tại thị trường các tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có Đắk Nông, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An chia sẻ: Trên địa bàn xã Thuận An, nông dân chủ yếu trồng cà phê. Cà phê trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân, nên HTX đã liên kết để cùng sản xuất cà phê sạch.
Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam đã và đang nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân và sự phát triển của HTX. Với việc sản phẩm của HTX được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông đợt I xếp hạng 4 sao sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và có cơ hội phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Trong số 6 sản phẩm của các HTX có tới 5 sản phẩm cà phê, đây cũng là cây trồng chính của nông dân trong tỉnh ta. HTX Tín Trucoffee có 2 sản phẩm là cà phê bột chế biến bán ướt và cà phê bột. Hai sản phẩm này được huyện Krông Nô lựa chọn tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cấp tỉnh. Trong đó, cà phê bột của HTX bước đầu được xếp hạng 3 sao.
Ông Hồ Trọng Tín, Giám đốc HTX Tín Truecoffee cho biết: Hội đồng đánh giá, xếp hạng đã góp ý về những thiếu sót để HTX bổ sung, góp phần làm cho sản phẩm trở nên hoàn thiện hơn. Qua việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP lần này, HTX sẽ phấn đấu phát triển sản phẩm ngày càng tiến xa hơn, cung cấp cho thị trường cà phê những sản phẩm đạt chất lượng cao.
HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông đợt 1 này với sản phẩm hạt mắc ca sấy. HTX đang liên kết với 150 hộ dân trên địa bàn xã Quảng Trực trồng 500 ha mắc ca, trong đó hơn 450 ha đang cho thu hoạch. Mỗi năm, HTX thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi. Sản phẩm hạt mắc ca Mơ Nông của HTX tuy mới ra đời được 1 năm, nhưng bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện tại, HTX đã mở 6 cửa hàng tại Đắk Nông và các trung tâm lớn như Hà Nội, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực cho biết: Hiện nay, HTX có 120 hộ đồng bào dân tộc M'nông liên kết trồng mắc ca. Vì vậy, HTX đã chọn đặt tên sản phẩm hạt mắc ca Mơ Nông để xây dựng "thương hiệu". Với việc sản phẩm của HTX được công nhận OCOP xếp hạng 3 sao sẽ nâng cao giá trị lao động của bà con M'nông trồng mắc ca. Hiện tại, HTX đang có kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất trong tỉnh và liên kết với một số tập đoàn để xuất khẩu. Tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP giúp HTX thấy được những mặt hạn chế của sản phẩm, cơ sở pháp lý, sở hữu trí tuệ, bao bì, mẫu mã… để định hướng phát triển.
Trọng tâm của OCOP là chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên phát triển HTX để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, các HTX của tỉnh có sản phẩm OCOP đã và đang tích cực tập hợp nông dân tham gia vào kinh tế tập thể vì đem lại nhiều lợi ích, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Đắk Nông điện tử