Nội dung bài viết
Tình hình mưa lũ trên địa tỉnh Đắk Nông đang diễn biến phức tạp và khó lường, vào đầu mùa mưa, tại một số địa phương có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to, có nơi rất to, đặc biệt là các huyện: Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông, trong những ngày tới, mưa lớn khả năng vẫn tiếp tục diễn ra, cảnh báo nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các tình huống bất thường khác, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ đập; theo đó, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4029/UBND-KTN ngày 07/8/2020 về việc rà soát, chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
UBND các huyện, thành phố: chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng xung kích cùng với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt triển khai kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, ngập úng, các hộ dân sống ven sông, suối, các khu vực có nguy cơ bị chia cắt, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tập trung lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống ở các khu vực bị thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất những ngày vừa qua; Chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu.
Các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện: chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai theo Phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã được phê duyệt; thường xuyên kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, các công trình có nguy cơ bị sạt lở.
UBND các huyện, thành phố; các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện và các đơn vị có liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để kịp thời chỉ đạo, xử lý.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết và kết quả đo mưa của các trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh để kịp thời cảnh báo về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đến chính quyền địa phương và người dân.
H.M