Nội dung bài viết
Sáng ngày 27/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng miền Trung và Tây Nguyên. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến đến 19 địa phương miền Trung và Tây Nguyên.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh- TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm Đình Tuấn- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì; Lãnh đạo các sở, ngành có liên quan cùng tham dự.
Theo báo cáo tình hình KT-XH vùng Tây Nguyên, tình hình phát triển KT-XH trong 7 tháng đầu năm của các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nên tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng 6 tháng tăng 2,72%. Trong đó, Lâm Đồng tăng 0,51%, Đắk Lắk tăng 2,28%, Gia Lai tăng 3,01%, Đắk Nông tăng 4,99%, và Kon Tum tăng 7,32%. Tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng của Vùng giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn cao hơn trung bình cả nước (1,81%) và chỉ đứng thứ hai sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%), không địa phương nào trong Vùng có tốc độ tăng trưởng âm.
Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng bình quân của vùng đạt 6,55%/năm. Các địa phương đều cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH. Đắk Nông đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng/người, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 của vùng Tây Nguyên là tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng xanh, thông minh và đổi mới, sáng tạo, bảo vệ môi trường; huy động tốt mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế so sánh của Vùng gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-8%; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 10-11%/năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025 khoảng 70%; tỷ lệ che phủ rừng 50%...
Đồng chí Phạm Đình Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông báo cáo tại hội nghị
Riêng mục tiêu chung năm 2021: Chủ động phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt khoảng 7,6%; thu ngân sách dự kiến tăng 7,6% so với kế hoạch năm 2020; kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng 7%; tỷ lệ che phủ rừng dự kiến 4,7%...
Tại Hội nghị, các địa phương trong vùng kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công.
Tỉnh Đắk Nông đề xuất Trung ương sớm ban hành phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ODA giai đoạn 2016-2020 để địa phương điều chuyển nguồn vốn cho các dự án ODA còn có nhu cầu và hấp thu vốn tốt. Đề nghị Bộ KH & ĐT quan tâm bố trí thêm nguồn vốn để tỉnh thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên bố trí để thực hiện chuyển tiếp cho 22 dự án với số vồn còn thiếu hơn 1.6 tỷ đồng; về kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề nghị Bộ KH & ĐT sớm thông báo mức vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, mức vốn cân đối ngân sách địa phương để tỉnh có cơ sở xây dựng kế hoạch năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tiến độ theo quy định…
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương các địa phương cần đảm bảo sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016-2020 để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Song Nguyên