Nội dung bài viết
Dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh; nước sạch cung cấp cho người dân phải có chất lượng tốt nhất; phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật; giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... là những chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 8/2020.
Dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh
Thông báo 313/TB-VPCP ban hành ngày 29/08/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 27/8/2020 nêu rõ, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng. Các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.
Còn trong Thông báo 309/TB-VPCP ban hành ngày 24/8/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 21/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhất là trong hệ thống y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện; tiếp tục chung sống, chiến đấu trường kỳ với dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn.
Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa
Ngày 20/08/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nylon.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; ưu đãi, hỗ trợ đối với túi nylon thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Thủ tướng yêu cầu nước sạch cung cấp cho người dân phải có chất lượng tốt nhất
Ngày 28/08/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục.
Chỉ thị nêu rõ: Nguồn nước, công trình cấp nước và quy trình sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được giám sát nghiêm ngặt, liên tục để bảo đảm nước sạch được cung cấp phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân có chất lượng tốt nhất và tuyệt đối an toàn. Mọi hành vi xâm hại hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, công trình cấp nước, gây ô nhiễm nguồn nước, mất an toàn trong sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ngày 06/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam…
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 7 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Quy định mới về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 13/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành từ 20/8/2020.
Theo Nghị định, tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: 1. Chính trị, tư tưởng; 2. Đạo đức, lối sống; 3. Tác phong, lề lối làm việc; 4. Ý thức tổ chức kỷ luật; 5. Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác
Theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/08/2020 của Chính phủ quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, có 8 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác: 1- Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 2- Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 3- Theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 4- Tiếp nhận, xử lý phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 5- Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại; 6- Ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử phát tán tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác; 7- Tăng cường phối hợp trong nước và quốc tế về chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 8- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh
Ngày 17/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2020/NĐ-CP quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh. Nghị định này quy định về cải tạo, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở huấn luyện dự bị động viên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh).
Về nguyên tắc cải tạo, đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng cơ sở huấn luyện, mỗi tỉnh cải tạo, đầu tư xây dựng 1 cơ sở huấn luyện.
Tận dụng các cơ sở sẵn có ở địa phương phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện lực lượng dự bị động viên, để cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở huấn luyện đủ điều kiện huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đối với lực lượng dự bị động viên đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Ngày 21/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Theo đó, về cơ chế, chính sách ưu đãi chung, Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa tại Trung tâm nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và từ các nước có trình độ công nghệ phát triển để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Trung tâm được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ...
Hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTTP
Ngày 24/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Nghị định này quy định việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, cung cấp hàng hóa nêu tại Phụ lục IV, V, VI kèm theo Nghị định này thuộc dự án, dự toán mua sắm của cơ quan mua sắm được liệt kê tại Phụ lục II và Phụ lục III khi có giá gói thầu từ ngưỡng giá nêu tại Phụ lục I trở lên.
Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu. Đấu thầu nội khối là đấu thầu mà chỉ có nhà thầu nội khối được tham dự thầu.
Vi phạm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng
Ngày 24/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không
Ngày 26/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2020/NĐ-CP về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không.
Theo Nghị định, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán lên thành 128.821 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 đơn vị tính toán lên thành 5.346 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 đơn vị tính toán lên thành 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hàng hoá, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 17 đơn vị tính toán lên thành 22 đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam hàng hoá.
Vi phạm kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng
Ngày 26/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;... Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Phạt tới 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác dầu khí
Ngày 26/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Nghị định quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế
Ngày 28/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh hàng miễn thuế; trong đó quy định cụ thể đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế.
Tiêu chí thành lập chi cục, phòng
Ngày 28/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Trong đó, Nghị định bổ sung quy định tiêu chí thành lập chi cục và tương đương, số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục; bổ sung tiêu chí thành lập phòng và tổ chức tương đương phòng, số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng.
Thủ tướng phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật
Ngày 05/08/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chung là thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.
Giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngày 10/08/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản suất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (người thuê đất).
Về mức giảm tiền thuê đất, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với người thuê đất nêu trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2020 và tiền chậm nộp (nếu có).
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm
Ngày 13/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2020 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm.
Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Ngày 14/08/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Điều kiện công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Theo Quyết định 1274/QĐ-TTg ban hành ngày 19/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo các điều kiện sau:
1- Có 100% số huyện trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và sau khi rà soát đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
2- Có 100% số thị xã, thành phố trên địa bàn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và sau khi rà soát đảm bảo đáp ứng được yêu cầu theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
3- Có 100% số xã trên địa bàn sau khi rà soát đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
4- Không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm giao thông đường bộ
Theo Công văn 6333/VPCP-CN ban hành ngày 03/08/2020 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm tình hình, có kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải khi tham gia giao thông, đặc biệt là các phương tiện kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hoặc du lịch.
Theo chinhphu.vn