Nội dung bài viết
Đối với đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý đối tượng BHYT đã được cài đặt, đăng ký thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH mà không thực hiện, khi nộp hồ sơ bằng hình thức khác thì cơ quan BHXH có quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ và đề nghị thực hiện giao dịch điện tử.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/8/2020, có 1.613/2.162 đơn vị sử dụng lao động (đạt tỉ lệ 74,61%) đã đăng ký, thực hiện thành công giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, tỷ lệ này còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Vì vậy để triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2020, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Văn bản đề nghị các đơn vị thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH trên địa bàn tỉnh; theo đó:
1. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Là cơ quan Thường trực, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt Nghị định số 166/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi các nội dung về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH đến các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đối với đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý đối tượng BHYT đã được cài đặt, đăng ký thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH mà không thực hiện, khi nộp hồ sơ bằng hình thức khác thì cơ quan BHXH có quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ và đề nghị thực hiện giao dịch điện tử; trường hợp cần thiết đề nghị đơn vị có văn bản nêu rõ lý do không thực hiện giao dịch điện tử.
Theo dõi, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện giao dịch điện tử của các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan quản lý đối tượng BHYT để xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân có liên quan trên địa bàn quản lý.
Chỉ đạo BHXH cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo việc thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH trên địa bàn.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý phối hợp với cơ quan BHXH cùng cấp thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các cơ quan truyền thông tại địa phương tích cực tuyên truyền các chính sách về BHXH, BHYT và việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH đến toàn thể nhân dân và người lao động trên địa bàn.
- Phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
3. Các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan quản lý đối tượng BHYT: Phối hợp tốt với cơ quan BHXH tỉnh, huyện triển khai thực hiện có hiệu quả giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH.
- Phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.
- Đối với các đơn vị sử dụng lao động khối hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý đối tượng BHYT các cấp: yêu cầu thực hiện hoàn toàn giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, sử dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp hoặc của các nhà cung cấp chữ ký số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép để thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH. Nếu đơn vị chưa có chữ ký số, lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp chữ ký số theo quy định.
- Đối với các đơn vị sử dụng lao động là doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty TNHH, hợp tác xã,…): Yêu cầu tất cả các đơn vị thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, tiến tới mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
* Việc thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.
H.M