Nội dung bài viết
Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19; ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL; tăng cường quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác khoáng sản;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 9/2020.
Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
Ngày 11/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ).
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng KTTĐ nỗ lực, quyết tâm cao nhất vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển chung của vùng và vì sự phát triển chung của đất nước. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng của Vùng KTTĐ, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi liên vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn tác động lan tỏa tích cực, các công trình chống ngập, trữ nước, kiểm soát mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các địa phương trong vùng KTTĐ xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong vùng để tập trung thu hút đầu tư, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp, cạnh tranh giữa các vùng và nội vùng; tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng. Các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ cần luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới, thể hiện vai trò đầu tàu, "hạt nhân phát triển" của nền kinh tế quốc gia.
17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030
Ngày 25/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam: 1- Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; 2- Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; 3- Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; 4- Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; 5- Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; 6- Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; 7- Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người;…
Đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án giao thông trọng điểm
Ngày 15/09/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1244/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và các dự án công trình trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Thủ tướng ra công điện tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Ngày 24/09/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện 1300/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; chú trọng phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên có tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly…; đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn, quyết không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan trong các cơ sở y tế. Xét nghiệm ngay các đối tượng có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Đồng thời, chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra…
Ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL
Ngày 11/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020-2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020-2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020. Cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.
Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa
Ngày 29/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, theo chức năng và nhiệm vụ được giao có kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ chính.
Tăng cường quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác khoáng sản
Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 20/9/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường khu vực khai thác; kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường. Từng bước xây dựng hệ thống kiểm soát hoạt động khoáng sản bằng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong việc lựa chọn các khu vực đã xác định được trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, thuộc quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực liên quan đến quy hoạch rừng tự nhiên để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Quy định quản lý gỗ nhập khẩu, xuất khẩu
Ngày 1/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Nghị định quy định, gỗ xuất - nhập khẩu phải đảm bảo hợp pháp, được làm thủ tục xuất - nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.
Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU
Ngày 04/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.
Nghị định này quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU)
Theo đó, điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận gồm:
1- Gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).
2- Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra bảo đảm độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.
Chính sách phát triển giáo dục mầm non
Ngày 8/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non bao gồm: Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non; chính sách đối với trẻ em; chính sách đối với giáo viên mầm non.
Nghị định mới về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 10/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định quy định cụ thể 2 căn cứ xác định vị trí việc làm và 3 căn cứ xác định số lượng người làm việc.
Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Sửa quy định số lượng Phó Giám đốc sở, Phó Trưởng phòng
Ngày 14/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo Nghị định quy định bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.
Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng.
Giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 25/11
Ngày 14/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện). Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. Trước đó, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 03 người.
Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lắp ráp trong nước
Ngày 15/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020 với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau: Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4/2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5/2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020.
Học sinh, sinh viên đoạt giải quốc tế được thưởng đến 55 triệu đồng
Ngày 15/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2020/NĐ-CP quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Theo Nghị định quy định học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới được thưởng theo mức sau: Huy chương Vàng hoặc giải nhất 55 triệu đồng; huy chương Bạc hoặc giải nhì 35 triệu đồng; huy chương Đồng hoặc giải ba 25 triệu đồng; khuyến khích 10 triệu đồng...
Quy định mới về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 18/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị định quy định đối với cán bộ có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.
Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 5 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
Phạt đến 200 triệu đồng VPHC trong lĩnh vực y tế
Ngày 28/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4
Ngày 22/09/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 339/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương ngày 26/8/2020.
Tại Thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian, phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Đồng thời, tháng 7/2021 đưa vào khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; từ năm 2021 đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số hàng năm…
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Tại văn bản 1259/TTg-KTTH ban hành ngày 17/09/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương và các Bộ, cơ quan Trung ương phải đi sâu, đi sát, bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, đồng thời tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ 15/9
Thông báo 330/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp về việc cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác nêu rõ: Phó Thủ tướng đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.
Cụ thể, thời gian triển khai thực hiện từ 06 địa bàn: Từ ngày 15/9/2020 đối với các đường bay: Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam – Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam – Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei); từ ngày 22/9/2020 đối với các đường bay Việt Nam – Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam – Lào (Vientiane). Tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế). Thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác.
Xử lý nghiêm hành vi ép buộc học sinh mua sách tham khảo
Ngày 26/09/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 346/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trong đó, về sách giáo khoa, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản quy định chặt chẽ việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo.
Theo chinhphu.vn