Nội dung bài viết

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các địa phương miền Trung
Ngày đăng 12/10/2020 | 15:11  | View count: 8386

Báo cáo nhanh sáng 12/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 22h ngày 11/10, ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 18 người chết; 14 người mất tích; 382 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 nhà bị ngập; nhiều diện tích hoa màu bị ngập, vùi lấp...

 

 Vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân 

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 22h ngày 11/10, còn 176 xã, phường/94.277 hộ bị ngập (giảm 30 xã, phường/14.757 hộ so với ngày 10/10), độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,8m. Cá biệt có nơi ngập sâu đến 3m (Quảng Bình 32 xã; Quảng Trị 80 xã; Thừa Thiên Huế 54 xã/phường; Đà Nẵng 10 xã/phường, Quảng Nam 16 xã).

Bên cạnh đó, tính đến 22h ngày 11/10, có tổng số 17tàu/106 người bị nạn, trong đó 11 tàu bị chìm, 06 tàu bị sự cố, đã cứu hộ an toàn được 99 người, 3 người bị chết, 4 người mất tích. Hiện lực lượng chức năng tiếp tục triển khai tìm kiếm người bị mất tích.

Cụ thể, sáng ngày 11/10 đã cứu thành công 8 người trên tàu Vietship 01 (7 thuyền viên và 1 ngư dân); tàu Vietship 12 có 2 thuyền viên bị mất tích, đã tìm thấy thi thể 1 người, 1 người còn mất tích. Tàu Đà Nẵng ĐNa 90988 TS/2 thuyền viên: Bị mất tích khi rời công trình cầu cảng 15 về âu thuyền Thọ Quang lúc 6h ngày 8/10. Đến tối ngày 11/10, đã tìm thấy thi thể 1 người, 1 người còn mất tích. Tàu Quảng Nam QNa 90949 TS: Neo đậu tại bến Núi Thành/Quảng Nam bị chìm do đứt dây neo (lúc 5h ngày 11/10), 2 người mất tích.

Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 22h ngày 11/10, ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 18 người chết; 14 người mất tích. Về nhà ở: 382 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 nhà bị ngập. Về giao thông, 108 điểm Quốc lộ, 8.656m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng. Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49A, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 15 (Quảng Bình).

Về nông nghiệp, 584 ha lúa, 3.879ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.141ha thủy sản bị thiệt hại; 271 con gia súc, 150.489 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về giáo dục: 70 điểm trường bị ngập (Quảng Bình 28, Quảng Trị 1; Đà Nẵng 11, Quảng Nam 30).

Riêng về thiệt hại do bão số 6 gây ra tại Quảng Ngãi, đã làm 8 người bị thương; 72 nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 535ha hoa màu, hành bị thiệt hại; 219 ha cây ăn quả, cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 1.000 cây xanh bị gãy đổ; 36ha tôm bị thiệt hại; 35 điểm giao thông bị ngập, sạt lở ách tắc, nhiều cột điện bị gãy đổ gây mất điện tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức.

Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 4.000 tấn gạo (Thừa Thiên Huế 1.000 tấn; Quảng Bình: 3.000 tấn); 10.000 thùng mỳ tôm, 2 tấn lương khô (Thừa Thiên Huế); 110 tấn giống ngô, rau các loại (Quảng Bình); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 23/CĐ-TW ngày 11/10/2020 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.

Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt là công tác quản lý, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển trú, tránh áp thấp nhiệt đới và tại các khu neo đậu, tránh để lặp lại các sự cố về tàu, thuyền những ngày vừa qua.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn và các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đã đầy nước. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan./.

Theo dangcongsan.vn