Nội dung bài viết
Vào lúc 05:00 GMT, tức 12h00 theo giờ Việt Nam, ngày 20/10, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Geoparks Network - APGN) đã tổ chức buổi họp trực tuyến với sự tham dự của Chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Giáo sư, tiến sĩ Nikolaos Zouros và 60 Công viên địa chất thành viên. Cuộc họp do Giáo sư Xiaochi Jin, Điều phối viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chủ trì.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, GS. Xiaochi Jin thay mặt Mạng lưới khu vực chào mừng 5 thành viên mới gia nhập, đó là: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Toba Caldera (In-do-ne-xi-a), Xiangxi, Zhangye (Trung Quốc), Hantangang (Hàn Quốc), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Việt Nam) và báo cáo tóm tắt một số hoạt động chính của Mạng lưới trong năm 2019 - 2020.
Theo báo cáo của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2019 – 2020 có một số họt động nổi bật như: Tổ chức thành công Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 6 tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Rinjani-Lombok, In-do-ne-xi-a; Tổ chức các khóa học chuyên đề/ chương trình tập huấn thường niên tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Langkawi (Ma-lay-si-a) và tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc; Hợp tác hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực phát triển công viên địa chất giữa các quốc gia thành viên; Trao đổi chuyên gia và kinh nghiệm với các Mạng lưới khu vực khác trong mái nhà chung toàn cầu; Tổ chức thành công Ngày hội công viên địa chất năm 2020; Tăng cường quảng bá hình ảnh Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trên các phương tiện xã hội như Twitter, Instagram, liên tục cập nhật trang web của Mạng lưới...
Qua đó, GS Jin cũng khuyến khích các thành viên tích cực hơn trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động của công viên địa chất mình lên trang tin của Mạng lưới.
GS. Xiaochi Jin báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, giai đoạn 2019 - 2020 |
Cũng trong cuộc họp, GS. Nikolaos Zouros đã thông tin đến các thành viên về một số thay đổi trong lịch hoạt động năm 2020 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Hội nghị quốc tế về Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu lần thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 9/2020 tại CVĐCTC UNESCO Jeju, Hàn Quốc sẽ được dời sang tháng 9/2021. Như vậy, trong thời gian tới, hội nghị quốc tế của Mạng lưới sẽ định kỳ tổ chức 2 năm/lần vào các năm lẻ và theo sự thay đổi đó, hội nghị của Mạng lưới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ dời thời gian tổ chức 2 năm/lần vào các năm chẵn. Các hoạt động quan trọng khác của Mạng lưới như việc thẩm định và tái thẩm định các CVĐC sẽ được hủy bỏ trong năm 2020 và dời lịch sang năm 2021.
Đại diện các nước thành viên, bao gồm Trung Quốc, In-do-ne-xi-a, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lay-si-a, Thái Lan, Việt Nam cũng đã báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Mạng lưới quốc gia các CVĐCTC UNESCO.
Hưởng ứng sáng kiến trở đưa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO trở thành Những vùng đất kiên cường (UNESCO Global Geoparks: Territories of resilience) do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khởi động vào đầu năm 2020, nhằm mục đích hướng các CVĐCTC trở thành động lực và là nhân tố chính trong việc hỗ trợ cộng đồng tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và dịch bệnh, các nước thành viên cũng đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất nhằm đa dạng hóa các hình thức hoạt động của Mạng lưới trong thời gian tới.
Bạch Vân