Nội dung bài viết
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, xã hội học tập đã lan tỏa tinh thần học tập đến từng ngõ ngách, thôn xóm. Nhiều vùng thôn quê, buổi tối vẫn còn những tiếng kẻng nhắc học vang lên. Đó cũng là hồng phúc của đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn tinh thần "học không biết chán, dạy người không biết mỏi" của Bác Hồ sẽ thấm sâu vào tất cả những người làm công tác khuyến học, giáo dục |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ suy nghĩ này khi dự Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020, sáng 1/12.
Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, thiên tai, Đại hội là hoạt động rất ý nghĩa nhằm biểu dương, khích lệ tinh thần học tập suốt đời của nhân dân. Đồng thời, thể hiện sự tiếp nối truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua "học đi đôi với hành", "học không bao giờ cùng" theo lời dạy của Bác Hồ.
Những tấm gương sáng đẹp
Các đại biểu đại diện cho các mô hình học tập của cả nước là những tấm gương sáng đẹp, tiêu biểu cho hàng triệu hội viên hội khuyến học trong cả nước, 16 triệu gia đình, 84.000 dòng họ, 89.000 cộng đồng, 48.000 đơn vị học tập được bầu chọn từ cơ sở…
Qua báo cáo, ý kiến phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao và trân trọng các mô hình học tập sáng tạo, thiết thực, tâm huyết và trí tuệ của các điển hình, sự phát triển sâu rộng của phong trào học tập và đóng góp to lớn của Hội Khuyến học Việt Nam.Việc đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. "Khi ý Đảng, lòng Dân gặp nhau thì việc khó mấy cũng có thể làm tốt được".
Phong trào học tập suốt đời đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu của nhiều người dân, gia đình, chi tộc, thôn bản, tổ dân phố, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể; gắn kết chặt chẽ với các phòng trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… tạo sức lan tỏa rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng môi trường sống an toàn, tràn ngập nghĩa tình của người Việt Nam.
Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", cùng với truyền thống anh hùng, văn hiến, hiếu học của dân tộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định với những chỉ đạo của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, giáo dục Việt Nam nói chung, công tác khuyến học nói riêng đã đạt đươc những thành tựu phát triển rất đáng tự hào.
Đặc biệt phải kể đến phong trào "Bình dân học vụ" ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, chỉ trong một số năm ngắn toàn dân đã cùng nhau, giúp nhau học để từ chỗ hơn 90% mù chữ trở thành một dân tộc có hơn 90% người dân đọc thông , viết thạo. Đến ngày hôm nay, trình độ dân trí, đội ngũ khoa học, trí thức đã lớn mạnh rất nhiều.
"Vài chục năm trước nếu trong một dòng họ, một xã có một người học đại học là cả niềm vinh dự, hôm nay hầu hết con cháu các gia đình đều có thể học đại học, nếu vì lý do nào đó không thể đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông thì trong quá trình đi học sau này vẫn có thể học đại học. Đó là kết qủa của cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi với chủ trương, đường lối rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước", Phó Thủ tướng nói.
Hồng phúc của đất nước
Là nước có tốc độ tăng trưởng liên tục cao thứ hai trên thế giới trong hơn 25 năm nhưng do trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài, xuất phát điểm thấp nên đến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, tính theo sức mua, vẫn đứng ngoài 100 trên thế giới. Mặc dù vậy, Đảng, Nhà nước xác định tất cả lo cho người dân, đầu tiên là sức khỏe, ăn ở, học hành. Vì vậy, chúng ta đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục. Dù chưa hài lòng nhưng có thể thấy định hướng phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước là rất đúng đắn, được thế giới đánh giá rất cao.
Phó Thủ tướng cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN cũng diễn ra cùng thời điểm với Đại hội đã công bố kết quả đánh giá giáo dục tiểu học trong ASEAN. Theo đó, ngoại trừ Singapore, vốn là nước có thu nhập và nền giáo dục thuộc tốp hàng đầu thế giới, thì Việt Nam đứng vị trí thứ nhất ASEAN cách xa nước thứ hai là Malaysia ở nhiều chỉ số.
Giáo dục trung học cơ sở của Việt Nam đứng khoảng thứ 30 trên thế giới, tiệm cận các bước OECD, vượt xa các nước có cùng trình độ phát triển và trong khu vực ASEAN chỉ đứng sau Singapore.
Những chỉ số liên quan đến phát triển con người, đổi mới sáng tạo, năng lực của người Việt Nam được xếp ở vị trí cao.
Đây không chỉ là kết quả nỗ lực phấn đấu của ngành giáo dục, mà còn nhờ công tác khuyến học, khuyến tài, phong trào xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, xã hội học tập. 21 triệu thành viên hội khuyến học Việt Nam đã lan tỏa tinh thần học tập đến từng ngõ ngách, thôn xóm. Ở nhiều vùng thôn quê, buổi tối vẫn còn những tiếng kẻng nhắc học vang lên. Đó cũng là hồng phúc của đất nước.
Quá trình thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, qua 5 năm đã đạt được những kết quả bước đầu cho thấy rõ đây là một quá trình liên tục, có tính kế thừa, từng bước chắc chắn.
"Nhìn từng năm một thì khó thấy những kết quả rõ rệt nhưng qua giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm thì chúng ta có quyền tự hào sự nghiệp giáo dục đang được Đảng lãnh đạo, Nhà nước tập trung chỉ đạo, điều hành, sự tham gia của hội khuyến học, các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng DN và toàn dân", Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó là sự đóng góp không thể thiếu của các cán bộ, hội viên hội khuyến học, nỗ lực của các gia đình, kế thừa với truyền thống hiếu học của cha ông.
Thấm sâu tinh thần "học không biết chán, dạy người không biết mỏi"
Với xu thế giáo dục dành cho mọi người, mọi lứa tuổi ở trên thế giới, Phó Thủ tướng cho rằng phong trào khuyến học, khuyến tài không chỉ là một phần bổ trợ mà có mối liên hệ khăng khít với giáo dục trong nhà trường với sự tham gia của các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh.
Vì vậy, dù cần thiết duy trì áp lực nhất định cho trẻ em khi đi học nhưng nếu chúng ta có sự hướng dẫn đúng mực về liều lượng và phương pháp cho các bậc cha mẹ ở Việt Nam, vốn tự coi mình là giáo viên ở nhà, thì sẽ là có lợi cho giáo dục nước nhà.
Các phong trào tôn vinh, cấp học bổng hằng năm cho trẻ em, người lớn rất đáng quý, làm cho ranh giới giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội mờ hơn so với nhiều nước trên thế giới.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn các cán bộ, hội viên hội khuyến học cùng suy nghĩ, phối hợp với ngành giáo dục để phát huy tinh thần thực học.
Theo Phó Thủ tướng, truyền thống hiếu học, khoa bảng của Việt Nam và một số nước Đông Á là rất đáng quý nhưng nếu không có sự điều chỉnh dễ thiên về chủ nghĩa hình thức, bằng cấp. Vì vậy, trong nhà trường, ngoài xã hội phải từng bước nâng cao thực học.
Học những gì thiết thực nhất trong cuộc sống, có tính nền tảng để chuẩn bị cho tương lai. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã đưa ra rất nhiều mô hình sản xuất hay, thiết thực. Nhiều người khô ng cần có bằng tiến sỹ, kỹ sư nhưng vẫn có nhiều sáng kiến đưa vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Bên cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích người học dám hỏi, dám bày tỏ ý kiến của mình với thầy cô, trao đi đổi lại, phát huy năng lực cá nhân. Và so với giáo dục trong nhà trường thì giáo dục ngoài xã hội có điều kiện đi trước một bước, trên tinh thần mọi người dân đều tham gia học và dạy học.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn các bậc phụ huynh, các phong trào khuyến học, toàn thể xã hội cùng ủng hộ, hỗ trợ ngành giáo dục trong công tác dạy người thông qua các hoạt động lao động, sinh hoạt tập thể, vệ sinh trường lớp…
Trong kỷ nguyên khoa học, công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ trong trường học mà cả các phong trào khuyến học, bắt đầu từ cơ sở. Có như vậy những kho tàng tri thức, học liệu mở càng thêm giá trị khi được chia sẻ không chỉ trong nhà trường mà cả ngoài xã hội. Qua đó trang bị cho người học, nhất là người lao động những năng lực mới nhằm thích ứng linh hoạt với yêu cầu công việc trong tương lai; có ý thức cộng đồng, công dân toàn cầu.
"Các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục… trước mắt không làm ra tiền, phải tiêu rất nhiều tiền, phải rất kiên trì mới có được kết quả nhưng nếu không chú ý thì sau một thời gian sẽ không phát triển được kinh tế, dù có phát triển được thì tốn rất nhiều tiền để khắc phục các hậu quả để lại.
Các cấp ủy đảng, chính quyền dành sự quan tâm cho văn hóa, giáo dục, đặc biệt cho sự nghiệp khuyến học, không chỉ bằng văn bản, hội nghị mà dành thời gian chỉ đạo, dành nguồn lực cho công tác này. Quan trọng hơn cả là dành sự tôn trọng xứng đáng, tôn vinh cần thiết cho những cá nhân, điển hình đạt thành tích tốt trong học tập, cống hiến", Phó Thủ tướng nói và mong muốn tinh thần "học không biết chán, dạy người không biết mỏi" của Bác Hồ sẽ thấm sâu vào tất cả những người làm công tác khuyến học, giáo dục.
Theo chinhphu.vn