Nội dung bài viết

Nhiều thuận lợi, tiện ích khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử
Ngày đăng 15/01/2021 | 09:09  | View count: 44148

Từ ngày 1/1/2021, Công an tỉnh Đắk Nông triển khai việc cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử cho người dân, nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý hồ sơ, danh tính công dân.

Có nhiều ưu điểm

Đề án thẻ CCCD gắn chíp đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt tại Quyết định 1368/QĐ-TTg. Chíp sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, có chữ ký số, khả năng lưu trữ sinh trắc học (vân tay), thông tin cá nhân để xác thực nên rất khó làm giả.

Mẫu căn cước công dân gắn chíp

Thông tin về chủ thẻ CCCD gắn chíp được định danh chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về việc giả mạo, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin công dân, nhất là trong các giao dịch tài chính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền internet.

Thẻ CCCD mẫu mới có nhiều ưu điểm về bảo mật, tích hợp nhiều trường thông tin của công dân liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Do đó, công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chíp mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Theo Công an tỉnh, việc đổi sang CCCD gắn chíp không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang sử dụng trước đó. Nhiều người hiểu lầm rằng, khi thẻ CCCD gắn chíp được ban hành, tất cả mọi công dân (dù là đang dùng CMND hay CCCD có mã vạch) đều phải đồng loạt đi đổi sang CCCD có gắn chíp.

Thực tế, chỉ có những người có CMND hoặc CCCD hết hạn, hoặc bị mất, hỏng mới phải đi đổi sang loại CCCD gắn chíp. Khi CCCD gắn chíp được đưa vào sử dụng thì sẽ song song tồn tại các loại giấy tờ tùy thân sau: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch.

Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Thủ tục nhanh, gọn

Ngay từ tháng 12/2020, Bộ Công an đã tổ chức tập huấn cho công an các tỉnh, thành phố trong cả nước và cấp trang thiết bị. Ngày 22/12/2020, Công an tỉnh Đắk Nông được cấp đợt 1 hai bộ máy tính và giao cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội quản lý, sử dụng.

Từ ngày 1/1/2021 đến nay, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 1.200 hồ sơ xin cấp CCCD gắn chíp.

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD đối với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh

Đối tượng ưu tiên tiếp nhận hồ sơ CCCD đợt đầu tiên là các lão thành cách mạng, đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và cán bộ, chiến sĩ thuộc các phòng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Riêng công an các huyện, thành phố sẽ triển khai thực hiện khi nhận được trang thiết bị do Bộ Công an cấp trong thời gian tới. Đồng thời, sau khi văn bản quy phạm pháp luật quy định về mẫu thẻ CCCD gắn chíp điện tử có hiệu lực, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính toàn tỉnh sẽ đồng loạt tiến hành tiếp nhận hồ sơ và cấp CCCD cho công dân đủ 14 tuổi trở lên.

Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, người dân khi đi làm CCCD gắn chíp cần mang theo một số giấy tờ: Sổ hộ khẩu bản chính; CMND hoặc thẻ CCCD có mã vạch; các giấy tờ pháp lý chứng minh về sự thay đổi thông tin trên sổ hộ khẩu (nếu có). Đặc biệt, hiện nay dữ liệu công dân trên địa bàn tỉnh đã được thu thập nên người dân khi đến làm CCCD gắn chíp sẽ không phải kê khai bất kể mẫu đơn nào.

Người dân khi làm thủ tục cấp, đổi CCCD gắn chíp đến các điểm cấp phát lưu động chỉ cần nói họ tên, ngày/tháng/năm sinh hoặc số CMND/CCCD nếu có và địa chỉ. Cán bộ tiếp nhận sẽ thao tác trên máy, toàn bộ thông tin của người dân sẽ hiện ra và người dân chỉ cần kiểm tra lại lần nữa.

Sau khi kiểm tra xong, cán bộ mời người dân chụp ảnh, lăn vân tay của 10 ngón tay. Toàn bộ quy trình chỉ mất vài phút. Khi người dân chuyển từ thẻ mã vạch sang thẻ gắn chíp chỉ cần thay thiết bị lưu trữ thông tin, còn số thẻ cơ bản được giữ nguyên nên không ảnh hưởng giao dịch.

Theo Công an tỉnh, CCCD gắn chíp tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân, mức độ bảo mật rất cao nên thông tin định danh trên thẻ là không thể thay đổi và giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới sử dụng được, nếu lỡ bị mất hay bị trộm cắp cũng không bị ảnh hưởng gì.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử