Nội dung bài viết
Chiều 7/4, Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) do đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh ta về các chính sách, chương trình thuộc lĩnh vực giảm nghèo, lao động và việc làm giai đoạn 2016-2020.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện là lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong giai đoạn 2016 - 2020 số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm là 90.629 lượt người, đạt 100,7% so với kế hoạch (bình quân giải quyết việc làm cho 18.125 lượt người/năm). Trong đó: Tạo việc làm trong nước là 89.769 lượt người, chiếm 99,05%, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 860 lao động (đến cuối năm 2020 đã có 55 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh).
Số lao động là người dân tộc thiểu số được tạo việc làm là 26.580 lượt người, chiếm 29,32% tổng số lao động được tạo việc làm của tỉnh. Trong đó: Tạo việc làm trong nước là 26.529 người, đi làm việc ở nước ngoài là 51 lao động.
Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác giảm nghèo đã có những chuyển biến tích cực: Kết quả tổng điều tra hộ nghèo theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2015 chiếm tỷ lệ 19,26%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 40,38%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 53,79% và đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 6,98%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 17,18%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 22,80%. Như vậy, trong 05 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm 12,28% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015, bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm trên 2% đạt mục tiêu đề ra tại 56/2016/NQ-HĐND ngày 22/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III.
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Nông đề xuất Bộ LĐTB-XH tham mưu quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và kịp thời ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021 -2025 để địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện. Trung ương hằng năm, cân đối, bố trí sớm nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để địa phương kịp thời triển khai thực hiện. Đề nghị các bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động giải quyết việc làm cho lao động tỉnh Đắk Nông nhất là ưu tiên hỗ trợ kinh phí để đảm bảo thực hiện các giải pháp tạo việc làm cho lao động tại khu vực biên giới, vùng đông bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững trong giai đoạn 2021-2025…
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, lao động, việc làm, tiền lương của tỉnh thời gian qua. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Đắk Nông cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và khuyến khích người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Tỉnh cần chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng của các nhà đầu tư, giảm bớt lao động phổ thông…
Tấn Lê