Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thành trong gia đình, vùng đất giàu truyền thống hiếu học, yêu nước. Quê hương, gia đình, đặc biệt là nhân cách của người cha - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng, nuôi dưỡng và sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, hình thành nhân cách người thầy giáo Nguyễn Tất Thành.
Khởi điểm cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là bắt đầu vào từ văn hóa làng cộng với vốn kiến thức lịch sử, văn hóa, văn minh phương Tây được tiếp cận khi Người theo học ở Trường Quốc học Huế. Sau đó, năm 1910, Người trở thành thầy giáo tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết), khi mới tròn 20 tuổi.
Ở Trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành không chỉ hết lòng truyền đạt tri thức, tư tưởng tiến bộ, chỉ ra tầm quan trọng đối với việc học mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng.
Người đã tạm biệt mái Trường Dục Thanh và những học trò thân yêu vào Sài Gòn. Ngày 5/6/1911, với tên gọi Văn Ba, Người nhận làm phụ bếp trên con tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin, rời Sài Gòn với quyết tâm ra đi tìm bằng được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc!
Người đã đi qua nhiều nước trên thế giới, không ngừng nghiên cứu, tự học để tích lũy tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm lịch sử - xã hội mà nhân loại tích lũy được trong quá trình phát triển. Ngoài vốn tri thức ban đầu học được từ các thầy ở quê và khi còn trên ghế Trường Quốc học Huế, toàn bộ tri thức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tích luỹ được chủ yếu là tự học.
Từ những trải nghiệm gần 10 năm nghiên cứu, tìm con đường cứu nước, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam, hình thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga.
Con đường ấy cùng kinh nghiệm trong quá trình tìm đường cứu nước là nội dung của các bài giảng cách mạng mà Người cộng sản quốc tế, Người truyền đạt đến thế hệ học trò - lớp cán bộ, đảng viên đầu tiên của cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc, thông qua Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Từ đó, chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Những bài giảng của thầy Nguyễn không chỉ đào tạo ra những học trò xuất sắc đầu tiên: Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…
Sau khi nước ta giành độc lập, nhân ngày khai giảng năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam mới năm 1945, Người đã viết thư căn dặn học sinh: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".
Để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội "Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu, ngành giáo dục và các nhà giáo Việt Nam khắc ghi lời dạy của Người: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người".
Theo Báo Đắk Nông Điện tử