Ngày 22/02/2022, UBND tỉnh ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông (Quyết định số 418/QĐ-UBND)
Trên cơ sở những quan điểm: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Trung ương, Nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, hiệu quả; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực vốn, công nghệ tiên tiến để tham gia đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh; Đẩy mạnh cải thiện hình ảnh, môi trường đầu tư, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hình ảnh thân thiện, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư; Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Tập trung kêu gọi các dự án có quy mô phù hợp với đặc thù địa phương, phát huy tốt lợi thế tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó cần làm tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư; Đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác với các cơ quan, tổ chức ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, lấy hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ làm trọng tâm để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Đắk Nông; Chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình thỏa thuận hợp tác song phương giữa tỉnh Đắk Nông với các địa phương trong khu vực, đặc biệt là các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,… nhằm phát huy lợi thế so sánh giữa các địa phương phục vụ hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ nhằm kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp; Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Hội, Hiệp hội nhằm tăng cường liên kết và phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp địa phương; Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng, chống dịch COVID-19.
Định hướng của Chương trình: (1) Trong thời gian tới Đắk Nông tiếp tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm năng, thương hiệu lớn để đầu tư các dự án then chốt vào các lĩnh vực mũi nhọn như: Nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Bôxit - điện phân nhôm,... Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh; (2) Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án có tiềm năng về năng lượng tái tạo; đô thị, đường cao tốc; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển các dự án du lịch bền vững gắn với phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã quy hoạch, đầu tư 44 điểm, hình thành 03 tuyến du lịch với các tên gọi " Trường ca của Lửa và Nước", "Bản giao hưởng của làn gió mới" và "Âm vang từ Trái Đất"),… Nghiên cứu khai thác thị trường để phát triển chuỗi, mục tiêu là các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan,… (3) Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, giải trí,... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân. Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng và hạ tầng thiết yếu khác để phục vụ du lịch với mục tiêu thu hút vốn đầu tư. (4) Chuyển đổi phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng các hoạt động trực tuyến, xây dựng, duy trì các website, cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin về các chế độ, chính sách và ưu đãi trong hoạt động đầu tư, văn bản pháp luật liên quan, kết quả hoạt động đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư,... (5) Thiết kế công tác xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị hàng hóa có lợi thế, có tiềm năng đầu tư thành vùng hàng hóa tập trung của tỉnh như chuỗi giá trị cây công nghiệp, cây lâm nghiệp,...; Các sản phẩm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, các dự án công nghiệp chế biến sâu, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật,...; Tập trung ứng dụng và chuyển giao các công nghệ chủ chốt, tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện của tỉnh vào các ngành, lĩnh vực như: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Chương trình hướng đến các mục tiêu: Tiếp tục xây dựng môi trường làm việc thân thiện, văn minh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, cấp chủ trương đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận và hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương và của tỉnh. Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh, xây dựng các ấn phẩm, video quảng bá, xúc tiến đầu tư,… Thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó quan tâm đến công tác quy hoạch vùng nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Tập trung mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu lớn để đầu tư các dự án quan trọng, có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả tiết kiệm nguồn tài nguyên, sản phẩm có mang lại lợi thế cạnh tranh về chuỗi giá trị cây công nghiệp, sản phẩm du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, các dự án chế biến sâu,... Ngoài ra, chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đối với các khu công nghiệp theo các hình thức như: đối tác công tư (PPP), xã hội hóa và các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật để thu hút đầu tư. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh tăng từ 1 đến 3 bậc trong năm 2022; tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, cấp chủ trương đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án. Nghiên cứu và triển khai các chương trình hợp tác kinh tế và xúc tiến đầu tư có hiệu quả giữa tỉnh Đắk Nông với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Khu vực duyên hải Miền Trung - Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,... nhằm phát huy lợi thế so sánh giữa các địa phương.
Các nội dung của chương trình gồm: Hoạt động nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; Hỗ trợ hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư; Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Tại Quyết định này, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể để các Sở, Ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.
H.M