DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Thế giới tuần qua: Những cảm xúc thăng hoa từ World Cup
Ngày đăng 26/12/2022 | 10:27  | View count: 56625

Trong tuần qua (19-25/12), dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, làm dấy lên mối lo về nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh khi năm mới đang gần kề. Tuy nhiên, các cuộc tranh tài thăng hoa tại World Cup đã phần nào tạm gác lại những lo âu về dịch bệnh hay bầu không khí căng thẳng về tình hình xung đột ở Ukraine cùng cuộc chiến năng lượng Nga-EU chưa đi tới hồi kết.
Argentina hân hoan chào đón những người hùng World Cup
Người hâm mộ chào đón tuyển Argentina đem cúp vàng World Cup trở về. (Ảnh: La Nación) 

Chiều 20/12 (giờ địa phương), hàng triệu người hâm mộ Argentina đã đổ dồn về các tuyến phố chính ở thủ đô Buenos Aires để chào đón Lionel Messi và các đồng đội đã đem cúp vàng World Cup trở về sau hành trình lên ngôi vô địch thế giới ở giải đấu tại Qatar, qua đó hiện thực hóa giấc mơ vàng World Cup mà quốc gia Nam Mỹ khắc khoải trong gần 4 thập kỷ qua. Chiến thắng trong loạt sút luân lưu sau khi hòa 3-3 trong 120 phút thi đấu đã giúp Argentina lần đầu tiên vô địch thế giới kể từ khi Maradona nâng cao chiếc cúp vàng danh giá vào năm 1986. Đây cũng là lần thứ ba bóng đá Argentina được bước lên đỉnh thế giới.

Chính phủ đã quyết định cho phép ngày 20/12 trở thành ngày lễ quốc gia để người hâm mộ ăn mừng chiến thắng của đội nhà.

Theo ước tính của truyền thông địa phương, khoảng hơn 5,5 triệu người đã dồn về dọc các tuyến phố nơi những người hùng World Cup của Argentina đi qua để chung vui cùng các cầu thủ, cũng như tận mắt chiêm ngưỡng chiếc cúp vàng mà họ ao ước bấy lâu.

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez viết trên Twitter: "Tôi thực sự vui mừng cùng với những người Argentina đã xuống đường để tri ân đội tuyển quốc gia. Hàng triệu người Argentina xuống đường, trong 1 tháng 12 khác thường, điều này sẽ ghi dấu mãi mãi trong trái tim chúng ta".

Kinh tế Mỹ tăng trưởng dương lần đầu tiên trong năm 2022

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn nhiều so với dự báo trong quý 3. (Ảnh: AP) 

Ngày 22/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố nền kinh tế tăng trưởng 3,2% trong quý 3. Đây là lần đầu tiên trong năm nay nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy sự tăng trưởng dương trở lại sau hai quý đầu tiên tăng trưởng âm khiến giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ suy thoái có thể xảy ra.

Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, mức tăng trưởng 3,2% trong quý 3/2022 đạt được chủ yếu nhờ chi tiêu dùng và đầu tư tăng hơn hẳn so với dự báo được đưa ra trước đó. Với mức tăng trưởng của quý 3 như vậy, giới chức Mỹ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cả năm 2022 sẽ ở mức khoảng 2,9%, cao hơn so với dự báo được đưa ra trước đó hồi tháng Mười là 2,6%.

Giới chuyên gia tại địa bàn nhận định rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng dương và các hộ gia đình  tiếp tục chi tiêu là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất tới 7 lần trong năm nay nhằm kiềm chế mức lạm phát ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ nhưng vẫn tránh được nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, chính vì người tiêu dùng tiêu vào tiền tiết kiệm rồi cho nên sắp tới mức tăng trưởng trong năm 2023 của Mỹ sẽ thấp đi. Nhiều khả năng Fed sẽ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao để tập trung kiềm chế lạm phát cho nước Mỹ.

Nhiều nước châu Á tăng cường khả năng phòng dịch

Số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản tăng mạnh. (Ảnh: AP) 

Báo cáo dịch tễ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố cho thấy, trong tuần qua, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới. Khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương vẫn là điểm nóng COVID-19 của thế giới, với số ca rất cao ghi nhận từ 3 nước Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc. Trong 6 khu vực dịch tễ của WHO, số ca giảm mạnh ở 4 khu vực là châu Âu, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, châu Phi; nhưng tăng rõ rệt ở 2 khu vực còn lại là Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ. 

Trước bối cảnh trên, giới chức nhiều nước châu Á áp dụng các biện pháp tăng cường khả năng phòng chống dịch vào thời điểm năm mới đang gần kề.

Tại Thái Lan, giới chức Y tế nước này cảnh báo, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trong tầm kiểm soát nhưng người dân vẫn phải đề phòng bằng cách đeo khẩu trang ở những nơi đông người và đã tiêm ít nhất 2 mũi nhắc lại trước khi tham dự các bữa tiệc lớn trong đêm Giao thừa. 

Trong tuần qua, Nhật Bản lần đầu tiên báo cáo số ca mắc COVID-19/ngày vượt ngưỡng 200.000 trường hợp kể từ cuối tháng 8. Con số này tăng khoảng 16.000 so với một tuần trước đó, buộc giới chức y tế Nhật Bản phải đưa ra khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ sức khỏe.

Trong bối cảnh số ca mắc ở nhiều nơi trên thế giới tăng đột biến, Ấn Độ đang tăng cường khả năng phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, tất cả các sân bay quốc tế ở nước này bắt đầu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với du khách nhập cảnh kể từ ngày 21/12. Chính phủ Ấn Độ đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tổng thống Ukraine bất ngờ đến Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón ông Zelensky tại Nhà Trắng. Ảnh Reuters.  

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm tới Mỹ ngày 21/12 (giờ địa phương) trong bối cảnh cuộc chiến tại quê nhà bước sang tháng thứ 10, gửi đi một thông điệp "không thỏa hiệp" trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh. Phía Mỹ đã đáp lại bằng hàng tỷ USD hỗ trợ mới và cam kết giúp Ukraine theo đuổi một "hòa bình công bằng".

Ngay trước khi ông Zelensky đến Mỹ, Washington đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 1,8 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả tên lửa đất đối không Patriot, đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng lên kế hoạch bỏ phiếu về gói hỗ trợ khẩn cấp khoảng 45 tỷ USD cho Ukraine. Với khoản viện trợ được công bố ngày 21/12, Mỹ đã cung cấp tổng cộng 21,9 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã kêu gọi chấm dứt hoặc giảm viện trợ cho Ukraine, thay vào đó, nên kiểm toán những khoản tiền từng được phân bổ. 

Ông Zelensky nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí tiên tiến hơn, từ xe tăng hiện đại đến hệ thống phòng thủ tên lửa, dù vậy, các đồng minh phương Tây vẫn rất thận trọng, tránh nguy cơ kích động xung đột lớn hơn.

Phát biểu với báo giới một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiến hành chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin, ngày 22/12 tuyên bố Nga mong muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc xung đột này chắc chắn sẽ cần đến một biện pháp ngoại giao. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là đẩy nhanh guồng máy xung đột quân sự, mà trái lại là chấm dứt cuộc chiến hiện nay. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt."

Bên cạnh đó, ông Putin cũng nhấn mạnh rằng, việc tăng cường các hành động thù địch sẽ dẫn đến những tổn thất phi lý. Mọi cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng cách này hay cách khác thông qua một số hình thức đàm phán ngoại giao. "Dù sớm hay muộn, các bên xung đột cũng sẽ ngồi lại với nhau và đạt được một thỏa thuận" – nhà lãnh đạo Nga tin tưởng.

EU chính thức thống nhất mức trần giá khí đốt

Trạm tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng nổi đầu tiên của Đức tại cảng Wihelmshaven ở nước này. Ảnh: Reuters  

Ngày 19/12, sau nhiều tháng đàm phán, EU đã đạt được thỏa thuận về mức trần giá khí đốt ở mức 180 euro mỗi megawatt giờ.

Theo đó, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên trong khối, bất chấp những lo ngại của một số thành viên về tác động của chính sách đối với khả năng thu hút nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu trên các thị trường toàn cầu cạnh tranh về giá. Đức và các quốc gia khác do dự trong việc đồng ý về mức trần đã tìm kiếm thêm các biện pháp bảo vệ để đảm bảo nó có thể bị tạm dừng nếu chính sách dẫn đến hậu quả tiêu cực.

Phản ứng trước động thái trên của EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/12 tuyên bố nước này có quyền không tuân thủ các hợp đồng khí đốt nếu giá trần do các nước thành viên EU áp đặt vi phạm các hợp đồng này. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Tổng thống Putin nói nếu điều này vi phạm các hợp đồng của Gazprom, Nga có quyền suy nghĩ về việc liệu có nghĩa vụ phải thực hiện các hợp đồng này hay không.

Châu Âu đã và đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng vì giá khí đốt tăng phi mã và nguồn cung hạn chế kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ cuối tháng 2 năm nay. Riêng tại châu lục này, giá năng lượng cao làm tăng tỷ lệ lạm phát và gánh nặng chi tiêu hộ gia đình, cũng như buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Theo tính toán của giới chuyên gia, EU có khả năng thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD bởi tình trạng năng lượng "đội giá" do Nga cắt giảm nguồn cung. Không những thế, liên minh này còn có nguy cơ thiếu hụt 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023, khiến EU phải ráo riết tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông năm nay và cả những năm sau, trong đó ưu tiên lấp đầy các kho dự trữ./.

Theo dangcongsan.vn