Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Gia đình là nhân tố không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển “các tế bào” của xã hội sao cho thật mạnh khỏe, bền vững để tạo đà cho đất nước phát triển cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Gia đình là tế bào của xã hội
Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội được chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định khi bàn về vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Ngay từ thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: "...Những trật tự xã hội, trong đó có những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình". Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".
Mỗi người phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, chăm sóc con cái. Ảnh tư liệu |
Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong việc tái sản xuất và giáo dục nhân cách con người: "Gia đình là tế bào tự nhiên của xã hội, là một hình thức tồn tại của đời sống con người. Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được". Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng tế bào phải phát triển bền vững. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Toàn xã hội chăm lo đến mỗi gia đình, xây dựng các gia đình ấm no, hạnh phúc chính là để mỗi gia đình có thể góp sức nhiều hơn xây dựng xã hội mới".
Kế thừa những tư tưởng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn về vấn đề gia đình, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Với ý nghĩa đó, khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta chủ trương giải phóng gia đình trong giải phóng dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng ta coi công tác gia đình là một trong những động lực để xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh và phát triển bền vững. Trong các văn kiện Đại hội Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII đều thể hiện rõ quan điểm về công tác gia đình là: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững.
Ngày 21/2/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị chuyên đề số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước yêu cầu mới, ngày 9/6/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết có đoạn: "Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 60, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục được nhấn mạnh và làm rõ hơn: "Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân".
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình
Để thể chế các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, nhiều bộ luật đề cập chế định gia đình với vị trí, vai trò rất quan trọng như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi…
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, phần "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam", Đảng ta một lần nữa khẳng định: "Thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ".
Hưởng ứng kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021) và tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021 với chủ đề "Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc", mỗi chúng ta phải tự nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình. Mỗi người tự tìm hiểu và học những cách ứng xử gia đình để biết cách giải quyết những vướng mắc, các mối quan hệ trong gia đình một cách tốt đẹp nhất, hãy tự biết bảo vệ bản thân khi có bạo lực xảy ra, có như vậy chất lượng cuộc sống mới được nâng lên từ nền móng một gia đình yên ấm. Trách nhiệm của xã hội, các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo hành gia đình, lên án mạnh mẽ những hành vi bạo hành gia đình, xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm và biểu dương, tôn vinh những gia đình tiêu biểu thường xuyên. Vì mục tiêu xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", cần chung tay ngăn chặn và đẩy lùi bạo hành gia đình để mỗi người được sống yên lành hơn và tôn trọng pháp luật hơn.
Ngày 4/5/2001,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Theo Báo Đắk Nông Điện tử