Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Sáng ngày 17/11, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thành viên UBND tỉnh thông qua dự toán ngân sách năm 2022 và các nội dung phát sinh. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Hồ Văn Mười và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Chiến, Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp |
Theo báo cáo, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện cả năm là 2.960 tỷ đồng, đạt 127% dự toán Trung ương, đạt 108% dự toán địa phương và tăng 6% so với thực hiện năm 2021. Năm 2021, tình hình thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm cao và sự triển khai đồng bộ, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, chi NSĐP năm 2021 được phân bổ đảm bảo thời gian theo quy định. Theo đó, tổng chi NSĐP ước thực hiện cả năm 2021 là trên 7.000 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch dự toán địa phương giao.
Theo Sở Tài chính, dự kiến kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2022 của Đắk Nông là 2.800 tỷ đồng, tăng 8,4% so với dự toán Trung ương và giảm 5,4% so với năm 2021. Trong đó, thu nội địa 2.637 tỷ đồng, cao hơn 8,9% so với dự toán Trung ương và tăng 12% so với năm 2021. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 163 tỷ đồng, giảm 73% so với thực hiện năm 2021. Về chi ngân sách địa phương, dự kiến tổng chi ngân sách năm 2022 là 7.635 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021. Trong đó, chi thường xuyên hơn 4.668 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 1.047 tỷ đồng. Số còn lại là chi các lĩnh vực khác.
Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương cơ bản thống nhất dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Về thu ngân sách, các thành viên UBND tỉnh có ý kiến cần phân tích nguyên nhân, đánh giá kỹ thực tiễn địa phương để lâp dự toán, có phương pháp thu hiệu quả nguồn thu nội địa. Về chi ngân sách, tỉnh nên tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực y tế, giáo dục. Về chi lĩnh vực đầu tư phát triển cần được ưu tiên nhiều hơn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh đã họp thông qua báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội 10 tháng năm 2021.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức thành công, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh; triển khai kịp thời, quyết liệt các biện pháp duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh; triển khai hiệu quả các chế độ, chính sách về an sinh xã hội. Kết quả một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng so với cùng kỳ như: tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,72%, cao hơn cùng kỳ; thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo ổn định; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 98% dự toán; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung đạt khá; sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện khá thuận lợi đảm bảo kế hoạch đề ra; dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; giá cả các mặt hàng chủ lực tăng cao thuận lợi cho người nông dân mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất.
Bên cạnh một số kết quả đạt được thì tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Do tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống một bộ phận nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, Ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; tốc độ thu ngân sách tuy có tăng nhưng chưa thật sự bền vững; công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương đến thời điểm này dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản kiểm soát tốt. Thời gian qua, tỉnh triển khai quyết liệt việc tiêm vắc xin covid-19, đến nay tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt trên 100% và mũi 2 đạt khoảng 40%. Trong thời gian tới sẽ quyết liệt trong phòng chống dịch trên tinh thần bình thường hoá nhưng bao vây, phong toả chặt. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh với sự vận hành quyết liệt nên các chỉ tiêu về tăng trưởng của tỉnh cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác tiếp thị, cung cấp cơ sở dữ liệu để nhà đầu tư đến với tỉnh, nhờ đó thu hút đầu tư của tỉnh đã có sự khởi sắc, mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng nhiều nhà đầu tư đăng ký đến với tỉnh với số vốn rất lớn.
Về chi ngân sách, các sở, ngành, đơn vị tập trung xác định những lĩnh vực thực sự cấp bách để ưu tiên nguồn chi. Trong quá trình thực hiện, có sự phối hợp, tương tác chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc, trên tinh thần hết sức tiết kiệm chi để tập trung nguồn cho những lĩnh vực ưu tiên. Trong thời gian tới việc không mua sắm tài sản tập trung đề nghị Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh quyết định để các sở, ngành, địa phương thực hiện.
Tấn Lê