Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 7/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với các bộ, ngành.
Tham gia phiên chất, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về một số nội dung liên quan đến giải pháp nào nhằm nâng cao tính tự chủ cho ngành Nông nghiệp.
Đại biểu Dương Khắc Mai chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan |
Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: sản xuất nông nghiệp có thể khẳng định là thế mạnh, là cứu cánh cho nền kinh tế nước ta trong điều kiện khó khăn nhất. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển nhưng đời sống thu nhập của nông dân và người làm nông nghiệp chưa cao. Điệp khúc "được mùa mất giá" và các cuộc giải cứu ùn ứ nông sản vẫn chưa có hồi kết. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn chủ yếu theo chiều rộng, dựa trên thâm dụng các yếu tố đầu vào, trong khi giá các vật tư đầu vào liên tục tăng cao, sản xuất phần lớn còn mang tính tự phát. Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn phụ thuộc vào một số ít thị trường. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?
Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với bà con nông dân, các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vừa qua do Covid-19 cũng như vấn đề ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu phía Bắc vừa qua.
Vấn đề về đầu vào ngành Nông nghiệp nói chung đều tăng cao trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy, Bộ trưởng cảm ơn nông dân Việt Nam rất năng động và linh hoạt để góp phần cho xuất khẩu nông sản của chúng ta trong năm 2021 tiếp đà thắng lợi.
Về nguyên liệu đầu vào, đứng ở góc độ ngành Nông nghiệp, ngay khi đứt gãy chuỗi cung ứng ở trong giai đoạn dịch Covid-19, nhất là cao điểm ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cũng đã vào cuộc cùng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những nguyên nhân bất khả kháng do quy định giữa hai bên.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Dương Khắc Mai |
Về nguyên liệu, chúng ta là một quốc gia làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm… Đây là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT trong chiến lược nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp để chúng ta tạo ra giá trị gia tăng cao hơn; đỡ rủi ro từ yếu tố thị trường. Bộ NN-PTNT cũng đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức nhiều cuộc họp với các hiệp hội: ngành hàng, phân bón, bảo vệ thực vật… và các doanh nghiệp liên quan để cố gắng thuyết phục, can thiệp thị trường.
Vấn đề căn cơ ở đây là những người nông dân ở Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Sông Hồng cũng đã tự mình tuần hoàn các phế phẩm ở trong nông nghiệp. Về lâu dài, đây cũng là một trong những giải pháp để chúng ta hữu cơ hóa sản xuất nông nghiệp, tự chủ một phần đầu vào trong sản xuất. Vấn đề thứ hai là nếu 14 triệu hộ nông dân chúng ta tham gia kinh tế tập thể để tập hợp nguồn hàng nhằm giảm giá đầu vào, hạn chế rủi ro về thị trường. Thông qua đó, chúng ta cũng nâng cao chất lượng, xuất xứ nguồn gốc của nông sản chúng ta. Từ đây, nông nghiệp sẽ mang tính chủ động cao hơn, làm chủ thị trường tốt hơn.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử