Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Ngày đăng 15/06/2022 | 08:27  | View count: 5089

Chiều 14/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình thảo luận về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông đánh giá cao hồ sơ dự án Luật mà cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị, các tài liệu được chuẩn bị công phu, đầy đủ.

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Dự thảo Luật đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình và Hiến pháp 2013. Nội dung dự thảo Luật đã quy định cụ thể, chi tiết, đưa các quy định trong các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành vào trong dự thảo. Dự thảo đã sửa nhiều quy định không còn phù hợp của Luật hiện hành, đồng thời sắp xếp lại các quy định trong Luật một cách hợp lý, logic hơn; bổ sung một số nội dung mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình… Các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng bảo đảm phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, khái niệm "gia đình" theo khoản 2 Điều 3 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là "tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này". Theo đó, người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng không được xác định là thành viên trong gia đình. Như vậy, quy định tại khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật này thực chất là mở rộng phạm vi áp dụng của hành vi bạo lực gia đình đối với đối tượng không phải là thành viên gia đình và không thống nhất với khái niệm bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật.

Phòng, chống bạo lực gia đình chỉ nên áp dụng trong phạm vi các quan hệ gia đình, không nên mở rộng đối với trường hợp người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng (trừ trường hợp được pháp luật công nhận hôn nhân thực tế) như dự thảo Luật. Nhất là đối với trường hợp người đã ly hôn thì không còn phát sinh quan hệ hôn nhân, cho nên nếu có hành vi bạo lực thì sẽ do pháp luật về lĩnh vực khác (như hình sự, hành chính…) điều chỉnh.

Mặt khác, thuật ngữ "Bạo lực gia đình trên cơ sở giới" là dựa trên cơ sở thuật ngữ "Bạo lực gia đình", chỉ đơn giản là "dựa trên giới tính". Do đó khi giải thích dự thảo không nên đưa ra một thuật ngữ mới, khác với nội hàm của "bạo lực gia đình". Thuật nữ này không sử dụng trong Luật, vì vậy đại biểu đề nghị không nên đưa vào.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên thảo luận chiều 14/6

Về nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình (Khoản 2 Điều 20), đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng việc quy định về nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận, tinh thần tự nguyện giữa hai bên. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn nội dung của một số nguyên tắc. Ví dụ tại điểm d cần làm rõ hơn sự phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước là phù hợp với quy định nào, luật nào…; đồng thời, rà soát, đối chiếu các nguyên tắc này với quy định trong Luật Hòa giải ở cơ sở để bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Ví dụ: cần quy định rõ không được tiến hành hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình khi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 3 của Luật Hòa giải ở cơ sở (trường hợp không được phép hòa giải).

Về việc bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 39): Tại khoản 3, Điều 39 quy định: "Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình không phải bồi thường thiệt hại về tài sản liên quan đến người gây bạo lực gia đình trong trường hợp áp dụng các biện pháp cấp thiết để giải cứu người bị bạo lực gia đình đang trong tình trạng nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng".

Đại biểu cơ bản tán thành quy định này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng như khuyến khích họ báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu đối với trường hợp gây ra thiệt hại về tài sản liên quan đến cả những người khác mà không phải là người gây ra bạo lực gia đình (như người bị bạo lực gia đình hoặc người sinh sống cạnh nhà của người bị bạo lực gia đình…); đồng thời, đề nghị quy định việc bảo vệ bí mật thông tin của người báo tin, tố giác vụ việc (trên thực tế, người báo tin thường là người thân hoặc hàng xóm, nếu không được pháp luật bảo vệ bí mật thông tin thì họ sẽ ngại báo tin, tố giác vụ việc).

Về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình khác tại Điều 45 quy định: "Các cơ sở khác có chức năng trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình là cơ sở do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật…" và việc đăng ký nội dung, phạm vi hoạt động của các cơ sở này với cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Đề nghị làm rõ trường hợp do cơ quan, tổ chức thành lập là loại hình cơ sở công lập thì có bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu).

Trường hợp là các cơ sở ngoài công lập thì cần quy định cụ thể hơn về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ sở này. Bên cạnh đó, tại Điều 46 đang quy định quá nhiều điều kiện, tiêu chuẩn đối với nhân viên tại cơ sở này. Do vậy, đề nghị rà soát để quy định bảo đảm tính khả thi, thu hút được nguồn nhân lực vào làm việc tại các cơ sở.

Theo Báo Đắk Nông điện tử