Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên
Ngày đăng 18/04/2022 | 09:38  | View count: 3313

Chủ đề của hội thảo "Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam" có nhiều ý nghĩa khi lồng ghép được vai trò của bình đẳng giới trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở phương diện văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam...
 
TS. Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TL)

Sáng 18/4, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ ) phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam và các bên liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam" theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là đối với nền kinh tế tri thức mà Việt Nam và nhiều nước khác đang hướng tới.

Theo TS. Đinh Hữu Phí, năm 2022, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn chủ đề: "Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn". Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hỗ trợ sự chuyển đổi đến một tương lai bền vững.

Do vậy, chủ đề của hội thảo này có nhiều ý nghĩa khi lồng ghép được vai trò của bình đẳng giới trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở phương diện văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam, nhằm khơi dậy, khuyến khích sinh viên Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học trên tinh thần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, thúc đẩy văn hóa đọc là việc xây dựng, phát triển cách ứng xử, giá trị đọc, chuẩn mực của cá nhân, cơ quan tổ chức và cộng đồng, tôn trọng quyền, nhân phẩm của người đọc, tôn trọng tri thức, tăng cường khả năng tiếp cận, kiểm soát tri thức, giảm thiểu khoảng cách giới trong văn hóa đọc.

Do vậy, giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc có nhạy cảm giới trong giới trẻ, trước hết người đọc, nhất là sinh viên cần chọn sách, chọn chủ đề để đọc; lưu ý các tài liệu góp phần giáo dục, thúc đẩy quyền con người, nhân phẩm con người, tôn trọng phụ nữ và các đối tượng yếu thế; tiếp nhận tối đa, sâu sắc nội dung đọc; tôn trọng người đọc sau (giữ gìn tài liệu, không ghi lên tài liệu); củng cố nội dung đọc (ghi chép, trao đổi, chia sẻ)... Đồng thời, giới trẻ cần quan tâm thúc đẩy văn hóa đọc của cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng; phát triển văn hóa đọc, đầu tư cho các thư viện, đưa tiết đọc sách, trao đổi về sách vào chương trình học ở các cấp…

Theo các chuyên gia, sẽ không thể có được những nhà sáng tạo, những doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Vì thế, sinh viên cần nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học như: Tài sản trí tuệ từ hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên; nghiên cứu khoa học; chuyên môn, ngoại khóa khác; hợp tác với các đối tác bên ngoài trường. Ngoài ra, sinh viên cần hiểu quyền sở hữu trí tuệ tương ứng với mỗi loại tài sản nào; điều kiện bảo hộ của mỗi loại quyền; xác định tác giả và chủ sở hữu của từng loại tài sản...

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi và giải đáp các thắc mắc của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam đối với các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, những hành vi được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả.../.

Theo dangcongsan.vn