Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ưu tiên vốn chính sách cho địa phương có hộ nghèo cao
Ngày đăng 14/07/2022 | 08:56  | View count: 14089

Đắk Nông hiện đang tập trung ưu tiên vốn chính sách cho những huyện trọng điểm về hộ nghèo. Trong đó, tỉnh sẽ nắm bắt nhu cầu của người dân, tạo thuận lợi tốt nhất cho bà con tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất.

Tạo thêm vốn cho người nghèo

Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay qua NHCSXH tỉnh đối với 3 chương trình thuộc diện nghèo hơn 115 tỷ đồng. Con số này chiếm gần 30% tỷ trọng doanh số cho vay 17 chương trình hiện nay mà NHCSXH tỉnh đang triển khai.

Thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi cho đối tượng nghèo luôn được NHCSXH ưu tiên. Tuy nhiên, qua rà soát theo tiêu chí mới, đối tượng nghèo tại các địa phương vẫn còn nhiều. Nhu cầu sử dụng vốn vay của bà con để phát triển sản xuất vẫn khá cao.

Theo ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, số hộ trên địa bàn được tiếp cận vốn qua NHCSXH là 9.000 hộ. Trong đó, đối tượng nghèo được vay là trên 5.200 hộ.

Nhiều hộ nghèo tại huyện Đắk Glong được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để trồng dâu nuôi tằm

Xét về cơ bản, số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đã được tiếp cận vốn. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, nên nhu cầu về nguồn vốn ưu đãi rất cần thiết.

"Nhu cầu nguồn vốn phát triển sản xuất của bà con khá lớn. Chúng tôi rất mong muốn tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn chính sách về cho đối tượng nghèo, để góp phần giảm nghèo hiệu quả", ông Thuần cho biết.

Tương tự, tại huyện Tuy Đức, số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại địa bàn theo tiêu chí mới hơn 5.500 hộ. Trong đó, số hộ được vay vốn gần 4.000 hộ.

Ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho hay, quá trình vận động, rất nhiều hộ có nhu cầu vay vốn. Huyện đang rà soát, kiểm tra thực tế nhu cầu sử dụng của bà con. Trên cơ sở này, huyện sẽ tổng hợp, đề nghị tỉnh ưu tiên phân bổ vốn cho người dân.

NHCSXH huyện Đắk Song giao dịch với người dân xã Thuận Hạnh

Rà soát tận cơ sở

"Phải xác định được rằng, không có hộ nghèo, cận nghèo nào mà lại không cần vốn sản xuất. Các địa phương phải sâu sát cơ sở, nắm bắt điều kiện, nhu cầu của người dân. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện cho bà con có vốn để phục vụ sản xuất", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho hay, đối với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, đơn vị tăng cường phối hợp tổ chức hội đoàn thể, thành viên ban đại diện kiểm tra, rà soát cụ thể từng địa bàn.

"Trong quá trình kiểm tra, phát hiện vướng chỗ nào, chúng tôi sẽ giải quyết kịp thời. Trường hợp vướng về phía ngân hàng, chúng tôi sẽ chấn chỉnh ngay đối với cán bộ tại địa phương đó", ông Hòa khẳng định.

NHCSXH huyện Đắk Mil kiểm tra mô hình sử dụng vốn vay của người dân

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến yêu cầu Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp tăng cường, linh hoạt trong kiểm tra, giám sát, nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn, sử dụng vốn tại cơ sở.

Các tổ chức hội, đoàn thể làm đúng tôn chỉ, mục đích trong nhiệm vụ ủy thác, nhằm giúp hội viên phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xác định thực hiện các chương trình tín dụng chính sách là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của địa phương.

Các đơn vị lồng ghép nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng với 3 chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

 

Đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thực hiện được 3.640 tỷ đồng, tăng gần 15% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, riêng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo gần 1.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 68.750 hộ vay còn dư nợ, chiếm 42% số hộ dân toàn tỉnh.

 

Theo Báo Đắk Nông Điện tử