Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2022/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch dự toán - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm chi thường xuyên từ 2-3% trong năm 2023.
Thông tư 47/2022/TT-BTC quy định rõ về xây dựng dự toán chi thường xuyên. Theo đó, dự toán chi hoạt động năm 2023 nguồn NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 và quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Trong đó:
Không xây dựng dự toán chi thường xuyên NSNN hỗ trợ cho các dịch vụ sự nghiệp công đã hoàn thành lộ trình giá, phí từ năm 2022 trở về trước hoặc dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách.
Các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.
Chi các hoạt động kinh tế
Theo Thông tư, chi các hoạt động kinh tế từ nguồn phí sử dụng đường bộ, căn cứ các tiêu chí phân bổ kinh phí theo phê duyệt của cấp thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án phân bổ kinh phí cho các địa phương, gửi Bộ Tài chính cùng thời điểm đề xuất dự toán kinh phí NSNN năm 2023, kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2023-2025 của Bộ Giao thông vận tải.
Căn cứ số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông do ngành Công an thực hiện năm 2021, Bộ Công an đề xuất cụ thể tỷ lệ (%) phân chia giữa NSTW và NSĐP và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ số bổ sung có mục tiêu (kèm thuyết minh chi tiết), tổng hợp cùng báo cáo dự toán NSNN năm 2023, kế hoạch 3 năm 2023-2025 trình Chính phủ, trình các cấp thẩm quyền theo quy định.
Chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể làm rõ: Số biên chế được giao năm 2023 (nếu có), trường hợp chưa được giao biên chế thì tiếp tục thực hiện giảm biên chế đối với các trường hợp đến hết năm 2022 chưa thực hiện được mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị hoặc theo biên chế năm 2022 đối với các trường hợp đã đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, trong đó làm rõ số biên chế thực có mặt đến thời điểm 01/7/2022, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu biên chế năm 2023 nêu trên.
Đồng thời xác định Quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ quy định theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng (tính đủ 12 tháng) do NSNN đảm bảo: (i) Quỹ tiền lương theo chỉ tiêu biên chế được giao năm 2023 (trường hợp chưa được giao biên chế năm 2023, xác định theo biên chế được giao năm 2022); (ii) Giảm quỹ tiền lương đối với các trường hợp phải tiếp tục tinh giản biên chế.
Bên cạnh đó, thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, các nội dung liên quan khác) năm 2023 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/9/2022.
Theo chinhphu.vn