Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đảm bảo thống nhất, đồng bộ quy định kéo dài thời gian công tác với viên chức
Ngày đăng 15/08/2022 | 10:33  | View count: 2437

Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 18/8/2022. Theo Bộ Nội vụ, việc ban hành Nghị định này nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kéo dài thời gian công tác, cũng như bảo đảm sự tương quan trong việc thực hiện quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức.

Thống nhất việc kéo dài thời gian công tác đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao làm việc trong tất cả các lĩnh vực sự nghiệp.

 

Bộ Nội vụ cho biết, việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức khi đến tuổi nghỉ hưu để làm công tác chuyên môn được quy định tại nhiều văn bản khác nhau; đồng thời, chỉ quy định việc kéo dài thời gian công tác để làm chuyên môn trong lĩnh vực sự nghiệp giáo dục đại học và lĩnh vực sự nghiệp khoa học công nghệ, trong khi đó đối với một số lĩnh vực sự nghiệp khác chưa có quy định.

Kể từ thời điểm Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành (1/1/2021) thì thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức là giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, viên chức giữ chức danh khoa học và công nghệ tại các cơ sở khoa học và công nghệ công lập đã có sự bất cập và không đồng nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (Khoản 4 Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định: "Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao" có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và giao Chính phủ quy định cụ thể).

Do vậy, việc ban hành Nghị định 50/2022/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kéo dài thời gian công tác, cũng như bảo đảm sự tương quan trong việc thực hiện quy định tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức; quy định thống nhất việc kéo dài thời gian công tác đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao làm việc trong tất cả các lĩnh vực sự nghiệp nếu có nhu cầu.

Đáp ứng nhu cầu nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức ở tất cả các lĩnh vực sự nghiệp
Hiện nay, việc thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao (Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư) mới chỉ thực hiện đối với viên chức hoạt động trong lĩnh vực sự nghiệp giáo dục đại học (viên chức là giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012, Nghị định số 141/2013/NĐ-CP) hoặc đối với viên chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (viên chức giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập theo quy định tại Nghị định số 40/2014/NĐ-CP).

Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở khoa học và công nghệ công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương quản lý đều được thực hiện theo quy định này để thực hiện việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức giữ chức danh giảng viên, viên chức giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

Đối với lĩnh vực sự nghiệp khác thì viên chức có chức danh Phó Giáo sư, Giáo sư hoặc giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo Tiến sĩ, nếu có nguyện vọng kéo dài thời gian công tác thì phải chuyển sang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập là các cơ sở giáo dục đại học hoặc cơ sở khoa học và công nghệ, đồng thời chuyển sang chức danh giảng viên hoặc chức danh khoa học, chức danh công nghệ thì mới có cơ sở pháp lý để thực hiện việc kéo dài thời gian công tác.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ để quy định thống nhất việc kéo dài thời gian công tác đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao làm việc trong tất cả các lĩnh vực sự nghiệp nếu có nhu cầu là cần thiết.

Ngoài ra, việc quy định thống nhất chung về thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo quy định tại khoản 4 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 và việc quy định thống nhất trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, viên chức chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo sẽ không làm phát sinh và tăng thêm kinh phí của đơn vị sự nghiệp khi thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với các trường hợp này.

Bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn cao
Nghị định số 50/2022/NĐ-CP quy định các trường hợp có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao là: Viên chức có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là Tiến sĩ hoặc chuyên khoa II.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) thì các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định số 37/201/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thì chức danh giáo sư, phó giáo sư đều yêu cầu phải có trình độ đào tạo Tiến sĩ.

Bên cạnh đó, hiện nay quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp viên chức do các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành quy định thì chức danh nghề nghiệp viên chức hạng cao nhất (hạng I) có yêu cầu trình độ đào tạo là Tiến sĩ hoặc chuyên khoa II chỉ có trong lĩnh vực giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, khoa học công nghệ và y tế (chức danh giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học, chức danh giảng viên cao đẳng sư phạm, chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp, chức danh khoa học, chức danh công nghệ, chức danh bác sĩ, chức danh bác sĩ y học dự phòng, chức danh dược, chức danh y tế công cộng).

Ngoài ra, đối với lĩnh vực y tế thì thực tế hệ thống đào tạo Y khoa tại Việt Nam hiện nay thì sinh viên Y khoa sau 6 năm học đại học và tốt nghiệp ra trường sẽ được gọi là bác sĩ, nhưng chưa được hành nghề. Muốn hành nghề phải học thêm 18 tháng tại một bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó, muốn nâng cao trình độ chuyên môn, bãi sĩ có thể chọn theo hướng thực hành lâm sàng hoặc nghiên cứu để học lên.

Nếu chọn thiên về thực hành lâm sàng, bác sĩ sẽ học thêm một chuyên khoa nào đó (khoảng 1 năm) thì được gọi là bác sĩ chuyên khoa định hướng và có thể bắt đầu hành nghề. Bác sĩ chuyên khoa định hướng nếu có nguyện vọng học tiếp thì sẽ học thêm 2 năm lên Bác sĩ chuyên khoa cấp I. Sau khi hành nghề một thời gian muốn nâng cao trình độ chuyên môn thì sẽ học thêm 2 năm nữa, trình luận văn để thành Bác sĩ chuyên khoa cấp II; nếu thiên về nghiên cứu, bác sĩ sau khi ra trường đi làm được 2 năm có kinh nghiệm để có thể tham gia kỳ thi Cao học, trình luận văn để học lên Thạc sĩ Y học, Thạc sĩ Y học đi làm rồi có thể thi tiếp kỳ thi tuyển Nghiên cứu sinh, học 3 năm (có thể nhiều hơn), trình luận án để tốt nghiệp thành Tiến sĩ y học.

Như vậy, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP quy định các trường hợp có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn cao nhất hiện nay.

Theo chinhphu.vn