Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 05 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025
Ngày đăng 04/10/2022 | 21:03  | View count: 13087

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 570/KH-UBND về phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 05 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025.

Cho trẻ uống Vitamin A(ảnh minh họa)

Mục tiêu nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của trẻ em dưới 05 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu đến năm 2025

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và tình trạng thiếu năng lượng trường diễn của phụ nữ tuổi sinh đẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ < 05 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi < 31,4%; giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 05 tuổi thể gầy còm xuống < 05%; giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống ≤ 10%.

Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trẻ dưới 05 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tỷ lệ trẻ từ 06 - 60 tháng tuổi được uống viên nang Vitamin A liều cao trong 2 đợt chiến dịch đạt ≥ 95%; tỷ lệ bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống vitamin A liều cao đạt ≥ 88%; trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng được cấp bổ sung vi chất, sản phẩm dinh dưỡng hàng năm đạt ≥ 80%; tỷ lệ phụ nữ có thai vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cấp miễn phí viên đa vi chất từ khi phát hiện mang thai đến 1 tháng tuổi sau sinh đạt > 80%.

Cải thiện số lượng và chất lượng bữa ăn của trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt 47% vào năm 2025; tỷ lệ trẻ từ 06 - 23 tháng tuổi được ăn bổ sung đúng, đủ lên 50% vào năm 2025; tỷ lệ hộ gia đình dùng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hoặc gia vị mặn có i-ốt hàng ngày duy trì ở mức trên 80% vào năm 2025.

Tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Trên 60% phụ nữ đẻ được khám thai 04 lần trong 03 thai kỳ; trên 80% phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế; trên 80% phụ nữ đẻ được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ; trên 90% phụ nữ có thai được cung cấp kiến thức, kỹ năng về lợi ích của việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời; trên 90% bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ được cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Bảo đảm 90% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh được đào tạo có chứng chỉ về chuyên ngành dinh dưỡng tối thiểu 1 tháng;bảo đảm 90% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, xã và y tế thôn bản được tập huấn, cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em; bảo đảm 100% số tỉnh thực hiện giám sát dinh dưỡng theo quy định; 100% tình huống khẩn cấp về dinh dưỡng do thiên tai, thảm họa được đánh giá và can thiệp kịp thời. 

Phạm vi triển khai tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bon, buôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo phân vùng tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Đối tượng là trẻ em dưới 05 tuổi (ưu tiên trẻ em dưới 02 tuổi), phụ nữ tuổi sinh đẻ (chú trọng phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú), vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Kinh phí thực hiện được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, lồng ghép với các Chương trình, dự án có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chủ động đề xuất báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.

Thảo Diệp