Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 04/11/2022 | 20:43  | View count: 10944

Thực hiện công văn số 5995/BYT-DP ngày 24/10/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm, UBND tỉnh ban hành văn bản số 6285/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Theo báo cáo Bộ Y tế, ngày 17/10/2022 Việt Nam ghi nhận 01 trường hợp bệnh nhi nữ 05 tuổi dương tính với cúm A(H5) tại xã Đông Thanh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, đây là ca bệnh nhiễm Cúm gia cầm mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 4/2014 đến nay. Tại tỉnh Đắk Nông, ngày 09/7/2022 có ghi nhận 01 ổ dịch cúm trên gia cầm type A/H5N1 tại tổ 2, phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa (chưa ghi nhận ca bệnh trên người).

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện những nội dung sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường giám sát chủ động trên gia cầm, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao, các địa điểm buôn bán gia cầm tập trung, các khu vực tiêu thụ nhiều gia cầm và các sản phẩm gia cầm; thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Phối hợp với Sở Y tế tăng cường hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Sở Y tế: Tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, nghi nhiễm cúm A/H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm mắc trên người, xử lý sớm, triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lây lan; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch gia cầm lây từ gia cầm sang người.

 

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành.

Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Cần tập trung nguồn lực khẩn trương kiểm soát không để dịch bệnh cúm gia cầm kéo dài, lan rộng và tổ chức chống dịch theo quy định tại các địa phương, khu vực dịch bệnh lưu hành và nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát yêu cầu chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.

Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Tổ chức tuyên truyền về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín.

 

Thảo Diệp