Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
UBND tỉnh vừa ban hành Công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa
Tập trung rà soát, đánh giá đưa những vùng/khu vực/địa bàn có lợi thế so sánh về phát triển chăn nuôi vào quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung và tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch chung của tỉnh; ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao khép kín, đảm bảo các quy định về điều kiện chăn nuôi, công nghệ xử lý môi trường và an toàn dịch bệnh, nhất là các tổ hợp dự án chăn nuôi công nghệ cao khép kín gắn với vùng nguyên liệu, cơ sở giết mổ tập trung, công nghệ hiện đại tại địa bàn tỉnh để gia tăng nguồn thu cho địa phương; đồng thời định hướng phát triển hợp lý cơ cấu vật nuôi phù hợp để đảm bảo phát triển bền vững, khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên.
Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá lại tình hình, mật độ chăn nuôi của địa phương để có những giải pháp chỉ đạo và xử lý phù hợp, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Giao UBND huyện Cư Jút: Khẩn trương kiểm tra, có văn bản thể hiện rõ quan điểm về phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện (về phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao khép kín đang đề xuất chủ trương đầu tư; về mật độ chăn nuôi…); hoàn thành trong tháng 12/2022 gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đánh giá tình hình, mật độ chăn nuôi và việc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, môi trường trên địa bàn tỉnh và trọng tâm là huyện Cư Jút, trong đó chú trọng đánh giá đối với các cơ sở chăn nuôi cũ/nâng công suất/chuyển loại hình chăn nuôi đã và đang hoạt động. Thông qua đó, kiến nghị các đơn vị chức năng theo thẩm quyền xử lý hoặc tham mưu xử lý, chấn chỉnh kịp thời, trường hợp cơ sở chăn nuôi không đảm bảo theo quy định về chăn nuôi, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh mà không có biện pháp khắc phục sẽ kiên quyết cho ngừng hoạt động để tạo dư địa cho phát triển mới các dự án chăn nuôi công nghệ cao khép kín, đảm bảo về quy định và an toàn về môi trường, dịch bệnh (hoàn thành trong quý I/2023).
Tham mưu điều chỉnh phân bổ lại mật độ chăn nuôi, cơ cấu vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng ưu tiên bố trí tăng mật độ chăn nuôi về khu vực/địa bàn có điều kiện đất đai thuận lợi, có lợi thế so sánh về phát triển chăn nuôi để tránh lãng phí tài nguyên, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian thực hiện điều chỉnh sau khi quy hoạch chung của tỉnh cơ bản được thống nhất và các địa phương đã thực hiện xong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 (hoàn thành trong quý III/2023).
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn, định hướng các địa phương chú trọng rà soát, đánh giá đưa những vùng/khu vực/địa bàn có lợi thế so sánh về phát triển chăn nuôi vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi để xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động không có giấy phép môi trường, không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thường xuyên kiểm tra tiến độ các dự án chăn nuôi đã cấp chủ trương đầu tư, đối với các dự án không thực hiện, thực hiện không đúng tiến độ tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Công an tỉnh: Cử cán bộ tham gia với các đơn vị có liên quan kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định; Tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn để xử lý nghiêm các trường hợp xả thải chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường.
Huy Hoàng