Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tăng cường phòng chống bệnh Bạch Hầu trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 22/06/2020 | 07:29  | View count: 35304

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium Diphtheriae gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn. Bệnh lây theo đường hô hấp và có thể gây dịch nếu không có biện pháp phòng, chống kịp thời. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ mắc cao ở trẻ em từ 1 đến 7 tuổi. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em khi mắc bệnh bạch hầu là rất cao.

Theo báo cáo của ngành Y tế, từ ngày 08/6/2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ca bệnh Bạch hầu đầu tiên tại huyện Krông Nô; đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta đã có 06 ca bệnh dương tính với Corynebacterium Diphtheriae (vi khuẩn gây bệnh Bạch hầu), tập trung ở huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, đã có 01 ca tử vong do bệnh Bạch hầu.

Trước tình hình bệnh dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trên diện rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 3038/UBND-KGVX chỉ đạo các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường phòng chống bệnh Bệch hầu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế: Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt tại các ổ dịch Trung tâm Nhà May mắn, huyện Krông Nô và xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan và bùng phát ra cộng đồng;

- Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát, hướng dẫn công tác vệ sinh, xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn có dịch và khả năng bùng phát dịch cao;

- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực… tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong;

- Chủ động triển khai tập huấn, các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương, cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu tại cộng đồng. Xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông phòng, chống bệnh Bạch hầu cho các địa phương để nâng cao công tác tuyên truyền;

- Tổ chức rà soát, triển khai tiêm chủng phòng, chống bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh, không bỏ sót đối tượng;

- Theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh Bạch hầu tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời; đồng thời cập nhật tình hình dịch, hàng ngày báo cáo về UBND tỉnh.

- Tùy tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu theo yêu cầu.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố: Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh Bạch hầu trong trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo tổ chức tốt công tác vệ sinh trường học, tuân thủ tiêm chủng và điều trị dự phòng bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Bạch hầu, triệu chứng, sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng chống để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho người dân; các gia đình đi tiêm và đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; các trường hợp có triệu chứng như: sốt, đau họng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh kịp thời, chính xác đến người dân;

- Phối hợp với Công an tỉnh cương quyết xử lý những trường hợp tung tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh Bạch hầu gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.

Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cân đối, bổ sung kinh phí kịp thời để Sở Y tế triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Khẩn trương tổ chức triển khai lập tức công tác phòng, chống, khống chế kịp thời dịch bệnh Bạch hầu tại địa bàn, không để dịch bệnh Bạch hầu lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; chủ động xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn quản lý.

- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Bạch hầu nói riêng để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân; tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học… nhất là vùng có ổ bệnh và vùng liên quan.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban, ngành liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện việc cách ly người bệnh, hạn chế đi lại vùng có ổ bệnh, tuân thủ điều trị dự phòng theo quy định;

- Hỗ trợ kinh phí cho các Trung tâm Y tế huyện, thành phố để tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu kịp thời trên địa bàn.

- Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin phòng bệnh Bạch hầu nói riêng; chỉ đạo tổ chức triển khai đầy đủ các hoạt động đáp ứng khi có ca bệnh, ca nghi bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn của ngành Y tế; 

- Báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn và đề xuất phương hướng phòng, chống dịch (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp, tham mưu chỉ đạo.

Cũng tại Văn bản này, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân để phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân những thông tin cần thiết, chính xác, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu; đề cao vai trò trách nhiệm mỗi người dân trong việc tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh theo đúng các khuyến cáo của cơ quan y tế.

H.M