Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Vào lúc 22h00 tối ngày 16/7, tại Trung tâm Thông tin Công viên địa chất Đắk Nông đã diễn ra Lễ xướng danh trực tuyến danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu năm 2020 do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu tổ chức. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Diễn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Ngô Thanh Danh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Bốn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Lãnh đạo UBND tỉnh, Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương.
Các đại biểu tham dự Lễ xướng danh |
Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), do Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Công viên địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015 và hướng đến mục tiêu tham gia mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu vào năm 2020. Công viên địa chất Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km2, nằm trên địa danh các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa. Từ lâu, Công viên địa chất Đắk Nông đã là vùng đất trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng về văn hoá, địa chất tự nhiên, còn lưu lại nhiều dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Lễ xướng danh |
Trong thời gian vừa qua, các bộ ngành liên quan, trong đó có Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phối hợp, nghiên cứu các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, trên cơ sở đó xây dựng và đệ trình hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông lên UNESCO vào tháng 11/2018.
Tháng 9/2019, Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu đã họp tại Indonesia và xem xét, đánh giá tổng thể các hồ sơ được Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu đề cử trên toàn thế giới, trong đó có Hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam.
Theo kế hoạch ban đầu, Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu đã họp tại Indonesia, thống nhất đề cừ hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông lên tổ chức UNESCO xem xét, công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu và Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 được tổ chức tại Pháp vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khóa họp đã được dời đến ngày 29/6-10/7/2020. Vào ngày 7/7, Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua việc Hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam tham gia mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu. Lễ xướng danh được tổ chức trực tuyến vào lúc 16h00 ngày 16/7/2020 (tức 22h00 tối qua giờ Hà Nội) công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là thành viên thuộc mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.
Tại buổi lễ xướng danh trực tuyến công nhận công viên địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu, UNESCO còn công nhận 14 công viên địa chất của các nước như (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada, Trung Quốc, Phần Lan, Indonesia, Nicaragoa…) vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.
Các đại biểu chúc mừng Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông khẳng định, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là niềm tự hào và nguồn động lực rất lớn đối với chính quyền và người dân tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là định hướng cho sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội địa phương, nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông – Xứ sở của những âm điệu. Đồng chí nhấn mạnh sự độc đáo của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đó chính là định hướng phát triển thành "Xứ sở của những âm điệu" - nơi hội tụ những thanh âm của Đất Trời, của Con Người và đặc biệt hơn cả là thanh âm của sự tương tác giữa Con Người với Vũ Trụ thông qua những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và duy nhất, chỉ có tại Công viên địa chất Đắk Nông.
Bạch Vân