Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
2020 là một năm có rất nhiều khó khăn tác động lên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Thế nhưng, với những nỗ lực của toàn tỉnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 4,65%. Đây cũng là cơ sở để tỉnh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng cao cho năm 2021 (trên 7,18%) và là năm mở đầu thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025.
Sản xuất vẫn ổn định
Điểm sáng trong "bức tranh kinh tế" năm 2020 của tỉnh là hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn giữ ổn định, trong bối cảnh tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, thời tiết cực đoan.
Đáng chú ý, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3.069 tỷ đồng (tăng 7,44%). Đa số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định.
Năm 2021, Đắk Nông đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 7,18%. Ảnh: Một góc thành phố Gia Nghĩa |
Trong đó, đá xây dựng ước đạt 1.000 m3; gạch xây dựng ước đạt 230 triệu viên; alumin ước đạt 680.000 tấn… Hoạt động của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tâm Thắng (tỷ lệ lấp đầy 94,18%), Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An (thu hút được 17 dự án đầu tư, tổng vốn thực hiện 291,86 tỷ đồng) tương đối ổn định.
Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, trong năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo hỗ trợ khối doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo 562 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế và tiếp cận vốn vay…
Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng nhưng trong năm 2020, diện tích gieo trồng toàn tỉnh cơ bản ổn định. Tổng sản phẩm khu vực nông, lâm và thủy sản đạt hơn 7.549 tỷ đồng, tăng 4,52%.
Đồ họa: Việt Dũng |
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh diễn ra trên một số loại cây trồng, nhưng không đáng kể. Ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh, đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, với giá nông sản chủ lực vẫn giữ ở mức thấp cũng đã gây nhiều khó khăn cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực dịch vụ là nhóm ngành chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong năm 2020 lĩnh vực này vẫn đạt 7.610 tỷ đồng, tăng 4,33% và cao hơn trung bình cả nước (2,34%).
Tập trung khắc phục những điểm yếu
Báo cáo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 do UBND tỉnh tổ chức vào giữa tháng 12/2020 cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế Đắk Nông còn không ít những hạn chế, yếu kém. Điển hình như thu hút vốn đầu tư chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công thấp; nhiều công trình, dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách triển khai chậm…
Để tháo gỡ những vướng mắc này và từng bước đưa kinh tế Đắk Nông tăng trưởng đạt trên 7,18%, trong năm 2021, UBND tỉnh đã đề ra 11 nhóm chỉ tiêu với 17 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ thời tiết, đại dịch Covid-19, nhưng năm 2020 sản xuất nông nghiệp Đắk Nông vẫn tăng trưởng 4,52%. Ảnh: Người dân xã Đắk R'moan, thành phố Gia Nghĩa sử dụng máy bay không người lái phun thuốc cho cây trồng. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Trung, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế đề ra, trong năm 2021, UBND tỉnh sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trước đây có nhiều điểm chúng ta làm chưa tốt. Vì vậy, năm 2021 sẽ khắc phục và nhất là tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu.
Nói về việc khắc phục những hạn chế trong thu hút vốn đầu tư, giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Trung cho rằng, cần phải khắc phục nhiều bất cập. Ngay trong thu hút vốn đầu tư, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Trung nêu ví dụ trong việc cải thiện môi trường đầu tư: "Đã gọi là mời gọi đầu tư thì khi bố trí cán bộ tiếp xúc với doanh nghiệp là phải cởi mở, nhiệt tình hướng dẫn cho người ta (doanh nghiệp). Nếu cán bộ tiếp xúc tỏ thái độ này-kia, họ (nhà đầu tư) sẽ chán. Như vậy, dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh có cố gắng đến đâu, mà việc tiếp cận ban đầu với nhà đầu tư không tốt thì cũng không đạt nhiều kết quả".
Đồ họa: Việt Dũng |
Đối với thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo Chủ tịch UBND tỉnh, phải đưa trách nhiệm của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trong giải ngân vốn đầu tư. "Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn. Vì vậy, phải sát sao để sử dụng đồng vốn được hiệu quả. Đơn vị nào giải ngân không hiệu quả, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thì có cả Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm. Đây là điểm mới trong giải ngân đầu tư công trong năm 2021", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Trung khẳng định.
Mặc dù bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, hạn hán, giá cả nông sản, nhưng với quyết tâm của toàn tỉnh, nhất là việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, chúng ta có quyền kỳ vọng năm 2021, kinh tế Đắk Nông sẽ có sự bứt phá.
Đây cũng là tiền đề để Đắk Nông sớm đạt được mục tiêu "trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 của vùng Tây Nguyên", như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử