XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Xây dựng Nông thôn mới: Tâm Thắng “về đích” nhờ đồng thuận
Ngày đăng 11/04/2017 | 14:31  | View count: 28258

Chúng tôi về xã Tâm Thắng (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông) sau dịp cán bộ, người dân nơi đây vui mừng đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Mặc dù buổi lễ diễn ra trước đó mấy ngày không phô trương nhưng ở khắp các đường làng, ngõ xóm và trong ánh mắt của mọi người đều rạng ngời cảm xúc vui mừng, đó là niềm vui khi họ đón nhận chính thành quả của mình.

Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Tâm Thắng được xây dựng khang trang, phục vụ tốt việc dạy và học tại địa phương

 "Không cố làm để mắc nợ"

Trải qua 6 năm thực hiện chương trình, Tâm Thắng giờ đây đã đạt 19/19 tiêu chí và đã được công nhận là xã NTM năm 2016. Đây thật sự là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Chúng tôi về thôn 7, một địa bàn tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn xã Tâm Thắng. Không chỉ đạt nhiều kết quả trong phát triển sản xuất, giảm nghèo, thôn 7 còn là "điểm sáng" trong xây dựng đường giao thông nông thôn của xã.

Ông Trần Minh Xuân, Thôn trưởng thôn 7 cho biết: Trong những năm qua, Ban tự quản thôn đã vận động người dân đóng góp công sức, tiền của để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường liên xóm, liên thôn nên giờ đây việc đi lại, sinh hoạt, đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng lên đáng kể.

Cùng đi trên con đường bê tông tuyến Sơn Hòa rộng 3m, dài 320m, ông Nguyễn Văn Tiến, một người dân trong thôn bày tỏ: "Năm 2015, gia đình tôi cùng với các hộ dân trong thôn đã đóng góp tiền và ngày công để làm con đường này đấy. Thế nhưng, nếu không có nguồn hỗ trợ 65% kinh phí của nhà nước thì việc làm đường giao thông của bà con trong thôn cũng gặp nhiều khó khăn".

Trong năm 2015, bà con trong thôn đã đóng góp trên 230 triệu đồng để làm đường nội thôn, liên xóm. Bên cạnh đó, bà con còn góp trên 370 triệu đồng để xây dựng hội trường thôn, làm sân bóng chuyền, lắp điện chiếu sáng công cộng các trục đường chính… giúp cho hoạt động thể dục, thể thao, đi lại của người dân, việc kiểm soát an ninh trật tự hàng đêm được bảo đảm.

Trao đổi về kết quả và kinh nghiệm trong vận động nhân dân đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng NTM, ông Trần Minh Xuân chia sẻ: Việc đầu tư, xây dựng được các thiết chế hạ tầng, các tuyến đường, trước hết là nhờ sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân trong thôn. Để tạo được niềm tin, sự hài lòng của người dân, chúng tôi xác định, sức dân đến đâu thì huy động đến đó, chứ không cố làm các công trình rình rang ra để mắc nợ. Vì thực chất xây dựng NTM là để cải thiện đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn nên các hạng mục, công trình nào đáp ứng yêu cầu đời sống tinh thần, vật chất, tác động đến sản xuất của bà con chúng tôi mới đề xuất thực hiện.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT (bên phải) kiểm tra kênh mương nội đồng tại thôn 4, xã Tâm Thắng (Chư Jút)

Giữ vững kết quả mới là điều quan trọng

Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng thì xây dựng NTM là lĩnh vực mới trong khi nguồn lực của địa phương còn khó khăn, nguồn hỗ trợ của trên còn hạn chế, do đó, quá trình đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, phải tính toán hiệu quả lâu dài, tránh dàn trải gắn với chống tham ô, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Đến nay, các công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng nông thôn như: Văn hóa, thể dục – thể thao, giáo dục, y tế; điện, đường… đã và đang được đầu tư xây dựng tạo nên diện mạo mới cho xã và nâng cao đời sống văn hóa, vật chất cho nhân dân. Trong gần 6 năm qua, xã Tâm Thắng đã vận động người dân chuyển đổi hơn 32 ha đất trồng cây cà phê già cỗi sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cùng với đó, xã vận động người dân chuyển 10 ha đất bạc màu sang trồng cỏ chăn nuôi bò. Toàn xã hiện đã hình thành các hình thức liên kết sản xuất, các tổ hợp tác, câu lạc bộ nông nghiệp, chăn nuôi phát triển ổn định. Việc thúc đẩy phát triển sản xuất luôn được xã gắn với mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Đến nay 100% đường trục xã, liên xã đã được láng nhựa hoặc thảm bê tông; 70% đường trục thôn, xóm được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi của xã cũng đã đáp ứng được yêu cầu dân sinh và phục vụ sản xuất. Hiện tại, ngoài một số công trình thủy lợi, xã có  trên 2,4 km kênh mương được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ tưới 54,4%...

Việc thực hiện các mục tiêu của chương trình được xã Tâm Thắng xác định, tiêu chí nào thuận lợi sẽ triển khai trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực từ  trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Jút thì việc đạt được 19 tiêu chí đã khó, giữ vững được nó càng khó hơn. Do vậy, xã Tâm Thắng được công nhận là xã NTM chỉ là kết quả bước đầu của chương trình xây dựng NTM. Trong thời gian tới, xã cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí mới là điều quan trọng hơn cả. Vì thế, xã Tâm Thắng cần quyết tâm cao hơn để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra, tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thành các hạng mục công trình còn lại. Từ đó, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, bổ sung cơ sở vật chất để trở thành một xã nông thôn kiểu mẫu theo hướng bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Đắk Nông Online