THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Nông dân là trung tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp
Ngày đăng 18/08/2022 | 08:50  | View count: 16974

Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp là giải pháp kiến tạo môi trường, sinh thái số trong sản xuất nông nghiệp. Trong chuỗi sản xuất hiện nay, nông hộ là một nhân tố quan trọng, do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh có nhiều giải pháp giúp nông dân bắt nhịp với xu thế mới này.

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển tương đối toàn diện, tiếp tục giữ vững vai trò trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu chưa tập trung, thông tin vùng trồng, thông tin chất lượng sản phẩm thiếu minh bạch, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế… Để giải quyết những tồn tại trên, việc CĐS trong nông nghiệp là giải pháp tất yếu, giúp ngành Nông nghiệp của tỉnh hội nhập với xu thế chung hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, CĐS nông nghiệp được hiểu là việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào quy trình sản xuất như: đầu vào (giống, vật tư nông nghiệp), vùng trồng (đất, nước, điều kiện tự nhiên), chế biến (thu hoạch, sơ chế, chế biến sâu), dịch vụ logistics và người tiêu dùng… Những công nghệ này giúp người tiêu dùng và nhà quản lý tiếp cận thông tin thiết yếu nhằm đưa ra những quyết định để cải thiện năng suất, nâng cao lợi nhuận, hạn chế rủi ro cho các bên liên kết. Từ đó, người tham gia chuỗi sản xuất có cơ sở xây dựng kế hoạch chế biến phù hợp với khả năng cung ứng của vùng nguyên liệu, năng lực sản xuất của nhà máy và nhu cầu của thị trường. Qua đó, giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách trực tiếp và tạo dựng niềm tin bằng cách công khai, minh bạch.

Sử dụng công nghệ số hóa trong tưới nước tự động được ông Nguyễn Thanh Sơn, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) áp dụng hiệu quả trên vườn cây ăn quả

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tập trung chủ yếu vào 3 hình thức là nông hộ (hộ nông dân), hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp. Trong đó, hộ nông dân vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Vì vậy, nông hộ được xem là thành phần quan trọng trong CĐS nông nghiệp. Để thúc đẩy tuyến trình CĐS nông nghiệp nhanh và bền vững thì phải bắt đầu từ người nông dân và HTX.

Ông Nguyễn Văn Chương nhận định thêm: "Để giúp nông dân tiếp cận với CĐS nông nghiệp, trước hết cần tăng cường công tác truyền thông để nông dân nhận thức rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Chỉ khi nhận thức tốt vai trò, tầm quan trọng của công nghệ số trong ngành Nông nghiệp thì nông dân mới tích cực học hỏi, ứng dụng vào sản xuất và tham gia tổ chức sản xuất tốt hơn".

Ông Chương đưa ra giải pháp, muốn thực hiện được điều đó, các cấp, ngành chuyên môn cần xây dựng chuyển giao các mô hình CĐS nông nghiệp đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Chú trọng hỗ trợ người dân các nền tảng công nghệ, đồng thời tư vấn cho nông dân và doanh nghiệp đồng bộ hóa các tài nguyên kỹ thuật số nhằm mang lại tiện ích và thuận lợi trong quá trình liên kết, phát triển chuỗi sản xuất.

Việc thúc đẩy CĐS sẽ giúp nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng, tiến tới ứng dụng thương mại điện tử sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, tiếp cận trực tiếp với khách hàng, hiểu và nắm rõ nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả hơn.

Theo Sở NN - PTNT, nông dân là yếu tố quyết định đến sự thành công của chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, do đó, quá trình CÐS cần bắt đầu từ các nông hộ. Hiện nay, các sở, ngành trong tỉnh như: Hội Nông dân, Trung tâm khuyến nông, Sở NN - PTNT… đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao cho nông hộ tiêu biểu, các HTX những kiến thức cần thiết về CÐS nông nghiệp. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận với CÐS, dần hình thành tư duy, đầu tư công nghệ để tham gia tiến trình CÐS toàn diện.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử