THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Ngày đăng 14/06/2018 | 15:32  | View count: 4167

Ngày 14/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Đại biểu Võ Đình Tín – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã nêu ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến chưa được thống nhất của dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín tham gia góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV

Theo đó, đại biểu Võ Đình Tín tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra ngoài khu vực nhà nước. Theo đại biểu, trên thực tế tình hình tham nhũng tại khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, cản trở đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng khu vực Nhà nước. Vì hoạt động của các tổ chức doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh nền kinh tế của ta hiện nay. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ để tránh người có chức, quyền lợi dụng quyền hạn được giao hoặc thành lập doanh nghiệp sân sau để tham nhũng. Đồng thời, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra ngoài khu vực nhà nước cũng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10 ngày 26/2/2017 của Bộ Chính trị từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực Nhà nước.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập, quy định tại Điều 32 của dự thảo luật, đại biểu Võ Đình Tín  thống nhất cao với phương án 2 của dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội. Lý do là vì phương án này không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động và hạn chế việc tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo đại biểu Tín, việc tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ khó khả thi nếu không bổ sung thêm biên chế, bộ máy. Ngược lại, nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy lại không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đối với việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý, được quy định tại Điều 59 của dự thảo Luật; đại biểu Tín cơ bản tán thành với phương án 2 mà Chính phủ trình Quốc hội. Đại biểu Tín cho rằng, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Đối với tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì nhà nước sẽ xử phạt hành chính, nếu vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý theo quy định của pháp luật. Phương án này thể hiện chế tài nghiêm khắc của nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, để xử lý đối với loại tài sản này theo trình tự, thủ tục hành chính tư pháp, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành pháp lệnh riêng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tại tòa đối với loại tài sản này.

Trần Long