Sáng 04/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về Tổng kết công tác ngành NN&PTNT năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Trương Thanh Tùng – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành đã tham dự.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2017, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 13% so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016. Nhiều mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh như rau quả tăng trên 40%, cao su tăng trên 35%, tôm tăng 22%...
Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả, với 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017, tăng 3,8% so với năm 2016. Số lượng trang trại, hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục tăng, hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều. Năm qua, Bộ cũng triển khai chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì 3 hội nghị, diễn đàn về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, qua đó thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này.
Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm, cả nước có 2.884 xã và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 524 xã và 13 huyện so với năm 2016.
Tuy vậy, công tác phát triển ngành nông nghiệp thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Việc cơ cấu lại nông nghiệp chưa đạt kết quả đồng đều ở các địa phương. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân cải thiện chậm. Nhiều địa phương vẫn còn chủ quan, thiếu quyết liệt trong công tác phòng, chống nên thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành. Tình trạng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, khai thác thủy sản trái phép vẫn còn ở nhiều nơi…
Năm 2018, ngành nông nghiệp đã đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8 – 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37 – 38 tỷ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41.,6%. Để đạt được những mục tiêu nhiệm vụ đề ra, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước; thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cách hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thị trường kế nỗi chặt chẽ hơn với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác; tiếp tục nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai….
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn ngành cần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các điểm yếu như vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng phá rừng... Toàn ngành và các địa phương vào cuộc mạnh mẽ để thực hiện thành công Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cụ thể hóa các chỉ tiêu để làm căn cứ thực hiện, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nội ngành theo hướng phát triển sản xuất các sản phẩm lợi thế cạnh tranh theo chuỗi giá trị…
Sam Nguyễn