THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Đoàn công tác của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tìm hiểu về thực trạng và định hướng phát triển cây cà phê và hồ tiêu tại tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 22/11/2018 | 15:27  | View count: 37934

Ngày 22/11/2018, đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan đã tiếp và làm việc với Đoàn Công tác của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) nhằm trao đổi thông tin về chiến lược và kế hoạch phát triển nông nghiệp; hiện trạng, định hướng phát triển cây cà phê và hồ tiêu của tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc
 

Tại buổi làm việc, Đại diện của Viện khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên đã giới thiệu về hoạt động của ACIAR và chiến lược hợp tác nghiên cứu nông nghiệp của ACIAR tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2027, kế hoạch hợp tác với Tây Nguyên.

Theo đó, ACIAR là một tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của của Úc, chuyên hỗ trợ các nước đang phát triển về phát triển sinh kế cho nông dân tăng thu nhập, phát triển nông nghiệp bền vững. Đến nay, ACIAR đã có lịch sử hợp tác 25 năm với Việt Nam thông qua 170 dự án với kinh phí khoảng 100 triệu đô la Úc. Hiện tại ACIAR đang tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Được biết, tất cả các dự án trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, kinh tế xã hội... tập trung ở các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT ký chiến lược hợp tác 10 năm (2017 - 2027) giữa Việt Nam và ACIAR, trong đó xác định Tây Nguyên là một trong 3 vùng sinh thái ưu tiên hợp tác, bên cạnh Tây Bắc và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam giao trách nhiệm làm đầu mối để phối hợp với ACIAR và các nhà khoa học liên quan tổ chức khảo sát thực địa, tham vấn cơ quan quản lý địa phương để xây dựng kế hoạch nghiên cứu cho thời gian tới. Đối tượng nghiên cứu trước mắt là hệ canh tác cây cà phê và hồ tiêu, hai cây sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Theo dự kiến, ACIAR sẽ thiết lập chương trình nghiên cứu 10 năm với mục tiêu chung là phát triển cà phê và hồ tiêu bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; trong đó, các mục tiêu cụ thể gồm: Phát triển gói kỹ thuật tổng hợp, khép kín theo chuỗi sản xuất, định hướng chất lượng, hiệu quả; Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và thương mại nhằm nâng cao chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu; Phát triển nguồn nhân lực (nhân lực nghiên cứu phát triển, nhân lực phân tích và dự báo thị trường, nhân lực quản trị sản xuất, nhân lực cho tư vấn và chuyển giao gói kỹ thuật)...  

Mục tiêu của chuyến làm việc của Đoàn tại tỉnh Đắk Nông lần này là tìm hiểu chiến lược và kế hoạch phát triển nông nghiệp nói chung và hiện trạng, định hướng phát triển cây cà phê và hồ tiêu nói riêng, những thuận lợi và những hạn chế về mặt kỹ thuật trong quá trình sản xuất cà phê và hồ tiêu. Trên cơ sở tìm hiểu thực tế và các đề xuất tại buổi làm việc, ACIAR sẽ nghiên cứu xây dựng kế hoạch, lộ trình hỗ trợ đối với từng khâu của chuỗi sản xuất cà phê, hồ tiêu một cách phù hợp với mong muốn và chiến lược phát triển của địa phương và khu vực trong thời gian tới.

Chuyên gia cảu ACIAR đặt câu hỏi tham vấn về khả năng nguồn nước tưới cho cây cà phê tại tỉnh
 

Theo đề xuất của Đoàn công tác, tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các Sở, ngành liên quan đã cung cấp thông tin đến Đoàn công tác về hiện trạng, định hướng và mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông. Qua đó, các đơn vị cũng nêu bật những khó khăn và tồn tại trong quá trình sản xuất cà phê và hồ tiêu từ khâu chọn giống, chăm sóc đến việc thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm; định hướng phát triển ngành hàng cà phê và hồ tiêu của tỉnh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các đơn vị đề xuất ACIAR hỗ trợ tỉnh các gói giải pháp hữu hiệu để giải quyết các hạn chế trong sản xuất hồ tiêu, cà phê như: Hỗ trợ việc quy hoạch phát triển sản xuất cà phê thành vùng tập trung theo từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh; Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng các vườn sản xuất giống cà phê và hồ tiêu có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, chuyển đổi dần các diện tích không đảm bảo yêu cầu, chất lượng; Xây dựng các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ cho người sản xuất cà phê và hồ tiêu; Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển hồ tiêu và cà phê, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cà phê và hồ tiêu bền vững, các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào ngành hồ tiêu, cà phê nói riêng, ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung... Bên cạnh đó, đại diện các Sở, ngành cũng trả lời các câu hỏi tham vấn của các chuyên gia liên quan đến vấn đề thổ nhưỡng, quy hoạch vùng, khả năng nguồn nước tưới bền vững cho cây cà phê và hồ tiêu tại tỉnh Đắk Nông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng cho biết, định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới đó là thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chủ yếu là nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ quốc tế và trong nước nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, ngành hàng và toàn ngành nông nghiệp; trong đó cà phê và hồ tiêu được xác định là 2 ngành hàng chủ lực cần được tập trung, ưu tiên phát triển. Do vậy, tỉnh rất hoan nghênh và cảm ơn sự quan tâm của ACIAR, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đối với việc tìm hiểu về thực trạng, nhu cầu của tỉnh trong việc phát triển 2 ngành hàng chủ lực nói trên. Đồng chí mong muốn những thông tin do các Sở, ngành, đơn vị liên quan cung cấp tại buổi làm việc sẽ góp phần làm cơ sở cho việc xác định và đề xuất những vấn đề nghiên cứu thực sự cần thiết đối với việc phát triển ngành hàng cà phê và hồ tiêu của tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm đơn vị đầu mối cung cấp các thông tin cần thiết cho Đoàn công tác để làm rõ hơn các vấn đề liên quan trong thời gian tới. 

Sam Nguyễn