Mỗi địa phương một cách làm sáng tạo
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW cho biết, trong thực tiễn triển khai Chỉ thị, nhiều cấp ủy, địa phương đã có những cách làm sáng tạo, lựa chọn nhiều vụ việc nổi cộm để giải quyết ngay từ cơ sở. Điển hình như Lai Châu với chương trình hành động đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh Sơn La với chương trình siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh quy trình sản xuất tiêu chuẩn, xây dựng chuỗi giá trị trên một số sản phẩm nông sản có lợi thế. Tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ. Tỉnh Lào Cai nêu cao tinh thân gương mẫu của cán bộ, đảng viên, quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong từng lĩnh vực, gắn với thực hiện có hiệu quả Quy chế quản lý đô thị, Quy tắc ứng xử văn hóa văn minh đô thị trên địa bàn thành phố. Tỉnh Hòa Bình, tăng cường đối thoại với nhân dân, chú trọng giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc, được dư luận quan tâm như: Đất đai, tôn giáo, sự cố y khoa...Tỉnh Nam Định đề ra chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, tạo nền tảng tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ...
Tỉnh Nghệ An thực hiện Chỉ thị gắn với phong trào xậy dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tỉnh yêu cầu việc học tập, làm theo Bác phải gắn với tổ chức thực hiện nội dung các nghị quyết của tỉnh; kết quả học và làm theo Bác phải được thể hiện qua kết quả phát triển kinh té - xã hội, công tác xây dựng Đảng ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đưa nội dung học và làm theo Bác tuyên truyền thường xuyên trong các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt; gắn với trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu...
Thực hiện Chỉ thị 05, tỉnh Gia Lai xác định 04 nội dung đột phá: Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Phát huy vai trò của nhân dân. Tại Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm ngập nước; giảm ô nhiễm môi trường; chỉnh trang và phát triển đô thị.
Theo báo cáo của Bạc Liêu, thực hiện Chỉ thị 05 tại địa phương, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực như: Mô hình "Ba cần, ba nên và ba không" (Ba cần: cần gần dân và sát cơ sở, cần học hỏi lắng nghe ý kiến của dân, cần vận động nhân dân cùng lo và cùng làm; Ba nên: nên vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ nhân dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn dân khi dân góp ý phê bình; Ba không là: không gây phiền hà với dân; không thờ ơ thiếu trách nhiệm công việc với dân; không nhận hối lộ, sách nhiều, tham nhúng với dân)...
Nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của các địa phương bạn trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW. Năm 2017, nhiều địa phương như Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Nam... đã tổ chức hội nghị giao lưu với những gương người tốt, việc tốt điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tỉnh ủy Bắc Giang, Tỉnh ủy Phú Thọ đã chỉ đạo việc xây dựng và nhân rộng điển hình trong học tập và làm theo Bác, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu, cứ 3 đơn vị phải lựa chọn để xây dựng điển hình là một cán bộ lãnh đạo. Nhiều tỉnh, thành phố đã tập hợp, biên soạn các tập sách về những tấm gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, tôn vinh, nhân rộng.
Tại Hội nghị đã nghe tham luận của các đồng chí lãnh đạo đại diện Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng bộ Công an, Thành ủy Cần Thơ, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, cá nhân tiêu biểu, cô giáo Trần Thị Thúy…
Thực hiện Chỉ thị 05, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, từ năm 2003 đến nay, thực hiện nghị quyết các Đại hội toàn quốc của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 04 chỉ thị về Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo gương Bác, mãi mãi đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Trong quá trình thực hiện các Chỉ thị đó, cả hệ thống chính trị, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã tích cực tham gia và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển.
Kết quả đó có công lao đóng góp không nhỏ của nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác. Đó là những "bông hoa đẹp" trong rừng hoa "ngàn việc tốt" của dân tộc ta kính dâng lên Người.
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao cách làm giao lưu điển hình toàn quốc được tổ chức sáng 19/8, "cách làm giao lưu hôm qua là cách làm hay, sinh động, có tác động thiết thực" – đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh và khẳng định, kết quả thực hiện Chỉ thị 05 đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng; hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đổi mới tác phong làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, đóng góp quan trọng cho việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 05; nhiệt liệt biểu dương các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ba năm qua.
Nhất trí với những đánh giá về những mặt hạn chế, yếu kém trong báo cáo đã nêu, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị, trong thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/2020), 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm: Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực, tính lâu dài, thường xuyên của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên các lĩnh vực, nhất là về công tác tổ chức và cán bộ...
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, thời gian qua, công tác tuyên truyền về học tập và làm theo gương Bác có nhiều thành tích, kinh nghiệm, bài học quý, tạo được dấu ấn trong xã hội. Tới đây, phải duy trì thường xuyên, nâng cao chất lượng, tận dụng sự phát triển của khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập và làm theo gương Bác; kịp thời giới thiệu, lan tỏa trong xã hội những tấm gương điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần phát huy tối đa vai trò của hệ thống báo chí, văn nghệ sĩ, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng lưu ý, cần nhận thức đúng, đầy đủ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải chuyển nhận thức ấy thành hành động cụ thể, định lượng được kết quả trong học và làm theo Bác của mỗi tập thể, cá nhân.
Chuẩn bị thật tốt cho đại hội Đảng các cấp
Nhắc lại câu nói của Bác viết năm 1947 : "Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được", đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định, lời Bác dạy thật sâu sắc, chí lý cho mỗi chúng ta hôm nay.
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị, từ nay tới dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ (5/2020), các cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, cần chuẩn bị thật tốt việc tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; nhất là công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thấm nhuần lời Bác đã căn dặn: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà nên", "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Phải tránh xa để không có những biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ", "cục bộ", "thân quen", "nể nang, dễ dãi" khi lựa chọn nhận sự cấp ủy cho nhiệm kỳ mới. Thực hiện thật tốt Kết luận số 55 của Ban Bí thư: siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; đề cao trách nhiệm nêu gương của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; đề cao trách nhiệm cá nhân trong thảo luận và quyết định theo đa số. Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; phẩm chất, năng lực hạn chế, sợ trách nhiệm, "dĩ hoà vi quý", thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, "cục bộ", "lợi ích nhóm", tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; có biểu hiện "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau"...
Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu, tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Từng địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân phải có chương trình, kế hoạch thật cụ thể, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phải tạo được phong trào chuyển biến thực sự theo gương Bác về nội dung này. Trong xây dựng nông thôn mới, mỗi tập thể, cá nhân, mỗi gia đình cần làm tốt việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta, bằng những việc làm rất cụ thể, như: từng ngày nhắc nhở nhau cùng "giữ gìn vệ sinh thật tốt" trên địa bàn dân cư, không vứt rác bừa bãi, tích cực trồng và bảo vệ cây xanh, thực hiện tốt phong trào chống rác thải nhựa... Cả hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư phải tổ chức vận động nhân dân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường.
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư mong rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cả nước tới đây sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, tạo phong trào thiết thực, hiệu quả cụ thể, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Theo dangcongsan.vn