Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 19/2020/QĐ-TTg quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Theo đó, các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg cũng quy định: Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Còn với các trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, tiến độ hoàn thành sẽ do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Cũng theo Quyết định, đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định của Quyết định này.
Quy định mới về điều kiện công nhận kho ngoại quan
Chính phủ ban hành Nghị định 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện công nhận kho ngoại quan. Cụ thể, kho ngoại quan phải đáp ứng điều kiện như: khu vực đề nghị công nhận kho, bãi ngoại quan phải nằm trong khu vực quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Hải quan hoặc khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics; kho, bãi ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh;.,..
Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu phát triển của cả nước
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nêu rõ, Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa với vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển của cả nước, đóng góp vào sự phát triển chung vì mục tiêu tạo nên một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Các tỉnh, thành phố trong Vùng phát huy tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh, với phương châm hành động cụ thể, hiệu quả để Vùng KTTĐ phía Nam đi đầu trong phát triển các mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử, đô thị thông minh và trở thành vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần.
Đặc biệt, Vùng KTTĐ phía Nam cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư thế giới. Chủ động, sáng tạo và quyết tâm, hành động cao nhất để Vùng KTTĐ phía Nam sớm hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút các tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới, trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước.
Sớm giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện sớm công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai giải ngân hết số vốn 23.000 tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Thí điểm vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc
Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc tại các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động thí điểm; trong đó lưu ý tính toán kỹ lộ trình tuyến đường khai thác, số lượng phương tiện hoạt động trên một tuyến, tần suất chạy xe, quy hoạch các điểm dừng, đón trả khách… nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, khẩn trương tổng kết, đánh giá hoạt động thí điểm, làm cơ sở xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Xử lý phản ánh về lắp đặt hệ thống điện mặt trời có cần "giấy phép con"
Báo Tuổi trẻ ngày 2/6/2020 có các bài viết với tiêu đề lắp đặt điện mặt trời có cần "giấy phép con" và mái nhỏ nếu thêm thủ tục sẽ phiền hà.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Xây dựng, Công Thương xem xét thông tin phản ánh của báo Tuổi trẻ nêu trên, khẩn trương có các hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền để việc thực hiện hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo thống nhất, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu về an toàn công trình và bảo vệ môi trường; hoàn thành trước ngày 31/7/2020.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, ban hành đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến an toàn công trình xây dựng khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà theo thẩm quyền; hoàn thành trước ngày 31/7/2020.
Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả động đất tại Lai Châu
Ngày 15 và 16/6/2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra các trận động đất làm một số cháu nhỏ bị thương, ảnh hưởng đến hoa màu, công trình hạ tầng, nhà cửa, đời sống của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng, nhất là các gia đình các cháu nhỏ bị thương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng do động đất, nhất là các hộ gia đình có người bị thương, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; thông tin kịp thời, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị ảnh hưởng của động đất, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho công trình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập, nhất là các hồ đập lớn tại khu vực bị ảnh hưởng của động đất.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp tục theo dõi diễn biến động đất thiên tai, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó theo nhiệm vụ được giao.
Theo chinhphu.vn