THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông đã chính thức được gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh |
PV: Việc CVĐC Đắk Nông gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là ngành du lịch, thưa đồng chí?
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Có thể khẳng định, việc UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu đối với CVĐC Đắk Nông không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông mà còn là niềm vinh dự, tự hào lớn của Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và CVĐC toàn cầu Đắk Nông nói riêng ra quốc tế, qua đó lưu giữ được những giá trị về địa chất, địa mạo và cả nền văn hóa phong phú của 40 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những lợi ích cụ thể về kinh tế, quan trọng hơn nữa là những lợi ích tổng thể. Đó chính là các loại hình di sản được nhìn nhận, bảo tồn và phát huy giá trị một cách cân bằng và hài hòa với các hoạt động kinh tế. Các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học được chú trọng. Việc phát huy, khai thác giá trị di sản vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đồng nghĩa với việc mở mang thêm nhiều cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập của người dân, tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư cả từ phía Nhà nước, tư nhân lẫn nước ngoài…
Việc gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO còn đồng nghĩa các loại hình di sản ở khu vực từ nay không chỉ còn bó hẹp ở địa phương, quốc gia mà đã trở thành di sản chung của nhân loại và của các thế hệ mai sau.
CVĐC toàn cầu là một danh hiệu cao quý của UNESCO, nhưng hơn cả một danh hiệu, đây là một mô hình hướng tới phát triển bền vững. Bởi CVĐC toàn cầu chứa đựng, liên kết trong mình các di sản: địa chất, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học...
Bên cạnh mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức cộng đồng, CVĐC toàn cầu đề ra một mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao đời sống cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững, đặc biệt là thúc đẩy du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch.
Hiện nay, Đắk Nông đã xây dựng 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Cùng với đầu tư, hoàn thiện các hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm tham quan du lịch trong vùng CVĐC, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã sản xuất, bảo tồn nghề truyền thống, bảo đảm theo chất lượng, tiêu chuẩn, cung ứng sản phẩm cho du khách khi đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu tạo thương hiệu du lịch Đắk Nông.
Các chuyên gia UNESCO trong chuyến thẩm định CVĐC Đắk Nông |
PV: Qua thực tế, để đạt được danh hiệu CVĐC toàn cầu là một quá trình hết sức khó khăn và Đắk Nông đã có bước tiến ngoạn mục như thế nào?
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Phải nói rằng, quá trình đạt được danh hiệu CVĐC toàn cầu của CVĐC Đắk Nông hết sức khó khăn và có được kết quả như ngày hôm nay là một sự thay đổi căn bản về cả tư duy, nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở của tỉnh Đắk Nông.
Khi bắt tay vào xây dựng CVĐC, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và phải tư duy lại cách làm, từ việc thay đổi mô hình quản lý cho đến cơ chế hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, giữa địa phương với chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước.
Một trong những bước tiến vượt bậc có vai trò quyết định đến sự thành công là ý chí, quyết tâm hành động của các cấp lãnh đạo và người thực thi nhiệm vụ, thể hiện bằng các chương trình, kế hoạch, chỉ thị cụ thể, cùng với các ý kiến tham mưu sâu sát với tình hình thực tế của địa phương.
Bằng việc liên kết toàn diện, chuỗi giá trị của CVĐC Đắk Nông, công tác đầu tư rất ít nhưng thực chất, hiệu quả, đáp ứng cơ bản công tác thẩm định đã cho thấy Đắk Nông đủ sức vận hành và phát triển mô hình CVĐC toàn cầu. Tất cả đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ từ việc có tiềm năng tiến đến một CVĐC thực sự và nay được UNESCO công nhận trở thành CVĐC toàn cầu.
Cửa hang C6.1, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Ảnh: Trần Hồng Vân |
PV: Để xây dựng và phát triển du lịch CVĐC toàn cầu Đắk Nông theo đúng lộ trình, về phía tỉnh sẽ có những hoạt động, giải pháp như thế nào?
Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Để xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu Đắk Nông theo đúng lộ trình, định hướng, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đòi hỏi còn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tỉnh bám sát tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của Mạng lưới CVĐC toàn cầu và của UNESCO về một CVĐC. Trong đó, việc đánh giá chuyên sâu di sản để khoanh vùng, phát huy các giá trị làm sống lại các di sản là nhiệm vụ trọng tâm, xem đó là cơ sở và tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội thông qua hoạt động du lịch một cách bền vững.
Thứ hai, tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu Đắk Nông phát triển theo các tiêu chí của UNESCO. Tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm, các mô hình du lịch cộng đồng gắn với các điểm di sản địa chất, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng theo chủ đề của CVĐC, nhưng tạo sự khác biệt, có tính sáng tạo và sức cạnh tranh cao với các sản phẩm du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ các sản phẩm phục vụ ngành du lịch.
Thứ ba, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch để mời gọi đầu tư và thu hút du khách đến với CVĐC toàn cầu Đắk Nông trong thời gian tới bằng việc tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế.
Thứ tư, tỉnh không ngừng tham gia học hỏi kinh nghiệm từ Mạng lưới CVĐC toàn cầu và tăng cường hợp tác với nhóm chuyên gia tư vấn, đặc biệt là các chuyên gia của UNESCO. Qua đó, chúng ta tích lũy kinh nghiệm, tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ từ nhiều phía nhằm nâng cao vị thế của CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông trên bản đồ du lịch CVĐC toàn cầu và thế giới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Báo Đắk Nông điện tử