Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 phòng, chống dịch COVID-19. Dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp trong cả nước tập trung chỉ đạo tăng tốc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, xử lý nhanh các ổ dịch trên địa bàn.
Đó là nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/8/2020.
Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp trong cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm "chống dịch như chống giặc", tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động.
Khởi động, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch tại các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động; bám sát tình hình, bình tĩnh và chủ động ứng phó, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia; quyết tâm ngăn chặn thành công đợt dịch này, không để dịch lây lan trên diện rộng. Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để "ổ dịch", các khu vực nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm không chủ quan, lơ là, thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh song cần hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi đến đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Lưu ý cân nhắc toàn diện, chặt chẽ, tối ưu, phạm vi và quy mô hợp lý khi quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội...
Quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến
Chính phủ ban hành Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Nghị định này quy định về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, Cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương; cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch; đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Theo Nghị định quy định, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng chỉ thị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
Qua 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (Pháp lệnh), Công nghiệp quốc phòng (CNQP) nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng: Cơ bản hoàn thiện về tổ chức hoạt động CNQP từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở CNQP nòng cốt và động viên; tổ chức lực lượng CNQP đã từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa...
Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, một số quy định tại Pháp lệnh có những điểm bất cập, chưa phù hợp và thống nhất với Hiến pháp năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của công dân liên quan đến quốc phòng, an ninh... Để triển khai nhiệm vụ tổng kết thực hiện Pháp lệnh, làm cơ sở đề xuất xây dựng Dự án Luật CNQP, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 32/CT-TTg tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trong phạm vi toàn quốc (2008 - 2020) nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh; đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của CNQP trong tình hình mới.
Đổi mới công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Mục tiêu nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tới các nước có chung đường biên giới, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Năm 2025 lĩnh vực vật lý Việt Nam xếp nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Chương trình là nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý, kết hợp đào tạo chất lượng cao với nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Gắn kết nghiên cứu lý thuyết với nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu ứng dụng. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên vật lý các trường đại học trong cả nước, thu hút và đào tạo các nhà vật lý trẻ tuổi tài năng. Đến năm 2025 tỉ lệ giảng viên vật lý có bằng tiến sĩ ở khoa vật lý của các trường đại học trọng điểm đạt trên 50%.
Đồng thời, nâng cao vị thế của lĩnh vực vật lý của Việt Nam trên thế giới, phấn đấu đến năm 2025 lĩnh vực vật lý nước ta được xếp vào nhóm 5 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN theo xếp hạng của SCOPUS và tăng số công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (thuộc danh mục ISI/SCOPUS) bình quân đạt 30%/năm.
Thủ tướng phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chung là thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm giao thông đường bộ
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm tình hình, có kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải khi tham gia giao thông, đặc biệt là các phương tiện kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hoặc du lịch.
Tháo gỡ khó khăn các dự án giao thông, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, cùng với Bộ Giao thông vận tải tập trung, chủ động tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo chinhphu.vn