THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2023
Ngày đăng 01/01/2023 | 06:28  | View count: 128028

Điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở; bỏ quy định nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính; quy định mới về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng trong năm 2023;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2023.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2023 - Ảnh 1.

Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở

Theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Trong 21 ngày nhận hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Trong đó, tại Mục 2 Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm sức khỏe, Luật quy định rõ, về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm, đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Khi đó, hợp đồng bị hủy bỏ và khách hàng được hoàn lại chi phí, sau khi trừ đi chi phí hợp lý nếu có.

Từ 1/1/2023, thay thế nội dung 186 chỉ tiêu tại Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia

Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

So với Nghị định 97/2016/NĐ-CP, Nghị định số 94/2022/NĐ-CP có những điểm mới như sau:

Thay thế nội dung của 186 chỉ tiêu quy định tại Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê 2015 bằng Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê 2021.

Nghị định 94/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy trình biên soạn GDP, GRDP và làm rõ các bước trong quy trình.

Chế độ BHXH, hỗ trợ đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty Nhà nước từ 15/01/2023

Nghị định 97/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 15/01/2023.

Trong đó, chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002 như sau:

- Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 01 - 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và các chế độ gồm:

+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

+ Trợ cấp 03 tháng tiền lương/năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu;

+ Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

- Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 01 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu và các chế độ gồm:

+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

+ Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu một tháng bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

- Lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí…

Quy định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp

Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp chế; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp có 25 tổ chức.

Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Con nuôi, Cục Công tác phía Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Con nuôi.

4 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản 

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực từ 15/1/2023. Trong đó, Nghị định quy định rõ 4 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản (biện pháp bảo đảm). 4 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm gồm:

1- Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;

2- Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;

3- Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;

4- Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (xóa đăng ký) đối với trường hợp quy định tại các điểm 1, 2 và 3 trên.

Từ 1/1/2023, cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước có 25 đơn vị

Nghị định 102/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Về cơ cấu tổ chức, Ngân hàng Nhà nước có 25 đơn vị.

Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định hiện hành cho đến khi Thống đốc NHNN ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối và Sở giao dịch.

Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng được hoàn thành các nhiệm vụ đang thực hiện cho đến khi Thống đốc NHNN thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản của Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng.

Bỏ quy định nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Từ 15/1/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 28 đơn vị

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 28 đơn vị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Cục Thủy lợi bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Thủy lợi; Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Thủy sản; Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm bảo đảm kế thừa nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục Lâm nghiệp theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi có quyết định kiện toàn, sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền.

Cơ cấu tổ chức mới của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định 106/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 38 đơn vị.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm bảo đảm theo đúng quy định, cụ thể như sau:

Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang tiếp tục hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập vào Viện Hải dương học.

Viện Khoa học năng lượng và Viện Công nghệ môi trường tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường.

Trung tâm Phát triển công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao.

Cơ cấu tổ chức mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định 108/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 38 đơn vị.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm bảo đảm theo đúng quy định, cụ thể như sau:

Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Kinh tế Việt Nam hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện sáp nhập Trung tâm Phân tích và Dự báo vào Viện Kinh tế Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi.

Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập Viện Nghiên cứu Kinh thành vào Viện Khảo cổ học.

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam vào Viện Ngôn ngữ học.

Từ 1/1/2023, áp dụng chế độ phụ cấp mới đối với cán bộ công đoàn

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành Quyết định số 5692/QĐ-TLĐ quy định về chế độ phụ cấp đối với cán bộ công đoàn các cấp (gọi tắt là QĐ 5692). Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. 

Quy định nêu rõ, đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS), CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có); Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra CĐCS, Ủy viên ban chấp hành CĐCS, CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có); Tổ trưởng, Tổ phó công đoàn.

Hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ CĐCS được xác định theo số lượng đoàn viên công đoàn, kết quả nộp đoàn phí công đoàn của năm trước liền kề, thực hiện theo khung số lượng đoàn viên.

Phụ cấp trách nhiệm với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

Đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm gồm Ủy viên Ban chấp hành công đoàn, Ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và thành viên Ban nữ công CĐCS.

Hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ CĐCS được xác định theo số lao động bình quân tham gia bảo hiểm xã hội làm căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn trong phạm vi đơn vị quản lý của năm liền kề. Cụ thể như sau:

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2023 - Ảnh 2.

Mức chi phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hàng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).

Phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và tương đương

Theo Quyết định số 5692, phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và tương đương gồm Ủy viên Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Ủy viên ủy ban kiểm tra LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công đoàn ngành Trung ương và tương đương;

Hệ số phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn cấp tỉnh, cấp Trung ương và tương đương được xác định theo số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân để làm căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn trong đơn vị quản lý của năm trước. Theo đó, số lao động bình quân dưới 300.000 đoàn viên thì hệ số uỷ viên ban chấp hành là 0,40, ủy viên uỷ ban kiểm tra là 0,30. Từ 300.000 đoàn viên trở lên thì hệ số phụ cấp trách nhiệm của ủy viên ban chấp hành là 0,45 và ủy viên ủy ban kiểm tra là 0,35

Mức chi phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương hàng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng quy định rõ phụ cấp trách nhiệm cán bộ cấp Tổng Liên đoàn; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cấp trên, Phó Chủ tịch công đoàn cùng cấp và cán bộ công đoàn cấp trên kiêm nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cấp dưới là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên.

Quy trình giám định BHYT mới: Thực hiện song song 2 hình thức giám định 

Từ ngày 1/1/2023, Quy trình giám định BHYT sẽ được thực hiện theo quy định mới tại Quyết định số 3618/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam.

Quyết định số 3618/QĐ-BHXH hướng dẫn cụ thể 2 hình thức giám định được thực hiện song song bao gồm công tác giám định chủ động (đây là giám định do cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện); Giám định tự động (đây là hình thức giám định sử dụng phần mềm kiểm tra thông tin trong dữ liệu điện tử).

Ngoài ra, quy trình giám định mới cũng hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo 3 hình thức: Giám định trên dữ liệu; giám định trên hồ sơ, tài liệu và giám định thanh toán trực tiếp.

Có thể đăng ký mua thẻ BHYT tại nhà thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Theo Quyết định số 3510/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, trường hợp chỉ đăng ký tham gia BHYT bao gồm cả đăng ký tham gia lần đầu, đóng tiếp BHYT, thay đổi đối tượng từ nhóm khác sang nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo hộ gia đình có thể thực hiện thủ tục đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Vì vậy, từ ngày 1/1/2023, người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký mua thẻ và đóng tiền BHYT thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia mà không cần đến trực tiếp cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, Điều 2 Quyết 3510/QĐ-BHXH quy định, tính năng đăng ký BHYT online trên Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ áp dụng cho người tham gia BHYT thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT; người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; người tham gia BHYT hộ gia đình.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2023 - Ảnh 3.

Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 5,0%/năm.

Quy định mới về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng trong năm 2023

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.

Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại các Thông tư kể trên là 5,0%/năm

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023.

Xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng

Thông tư 14/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Thông tư quy định, việc bổ nhiệm và xếp lương vào các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và nghiệp vụ chuyên môn đảm nhận của công chức.

Khi chuyển xếp từ ngạch công chức hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch công chức.

Về cách xếp lương, Thông tư nêu rõ, các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng quy định tại Thông tư này áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (đã được sửa đổi, bổ sung) như sau:

a) Ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

b) Ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

c) Ngạch Kiểm soát viên ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

d) Ngạch Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;

đ) Ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Việc chuyển xếp lương đối với công chức từ các ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Theo chinhphu.vn