Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Hôn nhân cận huyết còn gây ra những hậu quả nặng nề hơn do trẻ em sinh ra mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh,….
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, các địa phương có tỷ lệ nghèo đói cao, đồng thời tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng gia tăng. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Đối với giáo dục, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp Quốc: giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chống các bệnh dịch.
Xét theo dân tộc thì các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 6 lần so với dân tộc Kinh và gấp gần 3,5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước; Các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì với con chú bác.
Bên cạnh tác động, ảnh hưởng của những mặt trái của cơ chế thị trường, những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật liên quan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất đa dạng, trong đó phải kể đến sự thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu, do nghèo đói, khó khăn về điều kiện tự nhiên,… Chính những nguyên nhân này khiến cho hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại dai dẳng đến tận ngày nay, mặc dù công tác tuyên truyền và sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương, nơi có đông đồng bào DTTS, đã được thực hiện tích cực.
Trước tình hình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng DTTS vẫn còn khá phổ biến, gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng dân số, ảnh hưởng chung đến sự phát triển của xã hội, vi phạm pháp luật về hôn nhân, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS.
Qua 4 năm thực hiện, Đề án bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Thông qua các hoạt động của Đề án, đồng bào DTTS đã được tuyên truyền sâu rộng hơn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình,… Điều đó phần nào đã cải thiện và nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã dần được cải thiện.
Việc triển khai xây dựng mô hình can thiệp đối với một số DTTS ở nơi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình./.
Ngọc Quân